Sau 7 năm thi công, "siêu" dự án chống ngập hơn 10.000 tỷ TP.HCM sắp hoàn thành
Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến nay dự án siêu chống ngập đã hoàn thành 93% khối lượng thi công ngoài hiện trường.
Tại họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM, ông Nguyễn Huy Bình - Trưởng phòng kế hoạch đầu tư Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM đã thông tin về tiến độ thực hiện dự án giải quyết ngập do triều, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn I gần 10.000 tỷ đồng .
Theo đó, dự án giải quyết ngập do triều là dự án trọng tâm của TP trong chương trình thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2025.
Khi hoàn thành, dự án sẽ kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, giúp Thành phố chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Quy mô của dự án gồm: Xây dựng 6 cống kiểm soát triều gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định có bề rộng 40 - 160m; Xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12m3/s, 1 trạm bơm 24m3/s tại cống Tân Thuận, 1 trạm bơm 18m3/s tại cống Phú Định; Xây dựng 7,8km đê/kè bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh ở các đoạn xung yếu; Các cống nhỏ có khẩu độ 1m - 10m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối và Xây dựng nhà quản lý trung tâm cho toàn dự án và hệ thống SCADA.
Triển khai vào tháng 6/2016, từ đó đến nay, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM đã phải tạm ngừng nhiều lần vì các lý do khách quan khác nhau.
Trước đó, dự án được khởi công giữa năm 2016, theo kế hoạch sẽ hoàn thành năm 2018, nhưng đã hơn 7 năm trôi qua dự án vẫn chưa đi vào vận hành.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến nay dự án đã hoàn thành 93% khối lượng thi công ngoài hiện trường.
Ông Bình cho biết, hiện TP.HCM đang gặp vướng mắc về cơ chế nên chưa thể thanh toán tiền và quỹ đất cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT. Vướng mắc này vượt thẩm quyền của UBND TP.HCM nên phải báo cáo Thủ tướng tháo gỡ.
Hiện UBND TP đang giải trình các vấn đề cho Chính phủ liên quan đến việc thanh toán, giải ngân cho nhà đầu tư. Sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ, TP sẽ giải quyết được các vướng mắc.
Nếu các vướng mắc được tháo gỡ thì chỉ trong 6- 8 tháng, chủ đầu tư sẽ hoàn thành khối lượng công việc còn lại.
Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, là công ty do CTCP đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) thành lập để thực hiện dự án. Hình thức đầu tư là Xây dựng - Chuyển giao (BT).
Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 được thành lập vào cuối năm 2015, Chủ tịch công ty là ông Vũ Đình Tân (SN 1979). Tháng 12/2019, công ty đã nâng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ lên 1.200 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác cũng thuộc hệ sinh thái Trung Nam Group, CTCP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C) là nhà thầu thi công 7 gói thầu trị giá 6.564 tỷ của dự án này.
Trungnam Group thành lập từ năm 2004, được lèo lái bởi 2 doanh nhân là ông Nguyễn Tâm Thịnh (1973) - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến (1967) - Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Hiện nay là tập đoàn đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực hoạt động: Năng lượng, Hạ tầng - Xây dựng, Bất Động sản, Công nghiệp thông tin điện tử.
Từ năm 2018, Trungnam Group bắt đầu tham gia vào dự án năng lượng tái tạo và hiện đang sở hữu 4 dự án điện gió, 3 dự án điện mặt trời, 3 dự án thủy điện. Trong đó, nhiều dự án có quy mô lớn như Nhà máy điện gió Ea Nam Đắk Lắk tổng công suất 400 MW (vốn đầu tư 16.500 tỷ), Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW kết hợp trạm biến áp 500kv (vốn đầu tư 12.000 tỷ), Nhà máy điện mặt trời Trung Nam công suất 204MW (6.000 tỷ), Nhà máy điện gió Trung Nam tổng công suất 151,95 MW (4.000 tỷ), Điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh công suất 140 MW (3.500 tỷ), ...
Về kết quả kinh doanh, trong năm vừa rồi, Trungnam Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 255 tỷ đồng, giảm 84% so với kết quả năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 5,85% xuống 0,91%.