Sau bê bối, Tập đoàn Tân Hiệp Phát bất ngờ mở rộng lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Tập đoàn Tân Hiệp Phát đăng ký bổ sung thêm 33 ngành nghề kinh doanh, nâng tổng số ngành nghề từ 46 lên 79 ngành trong đó có nhiều ngành nghề kinh doanh liên quan đến bất động sản.
Tháng 8 vừa qua, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) đã bổ sung thêm hàng loạt ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Theo đó, Tập đoàn đăng ký bổ sung thêm 33 ngành nghề kinh doanh, nâng tổng số ngành nghề từ 46 lên 79 ngành.
Trong đó, doanh nghiệp bổ sung ngành kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; hoàn thiện công trình xây dựng; sản xuất đường; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản xuất rượu vang; sản xuất săm, lốp cao su; sản xuất thủy tinh; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa; kho bãi và lưu giữ hàng hóa; bốc xếp hàng hóa; tái chế phế liệu… Ngành nghề kinh doanh chính vẫn giữ nguyên là sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng.
Theo giấy thay đổi đăng ký doanh nghiệp mới nhất, Tân Hiệp Phát giữ nguyên hai người đại diện pháp luật doanh nghiệp là bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Trần Quí Thanh) - giữ chức Tổng giám đốc và ông David Riddle - giữ chức Phó giám đốc.
Về tình hình kinh doanh, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 276 tỷ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Nụ góp 150,4 tỷ đồng (chiếm 54,49% vốn điều lệ), bà Trần Uyên Phương góp 81,1 tỷ đồng (chiếm 29,38% vốn điều lệ), bà Trần Ngọc Bích góp 44,5 tỷ đồng (chiếm 16,12% vốn điều lệ). Bà Phạm Thị Nụ - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm cổ đông sáng lập Công ty Tân Hiệp Phát.
Trước đó, vào tháng 4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố ông Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Trong số này, ông Thanh và bà Phương bị bắt tạm giam.
Bộ Công an giao Cơ quan CSĐT tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết nội dung đơn của một số công dân trên địa bàn TPHCM và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TPHCM từ tháng 11/2020.
Theo Cơ quan CSĐT, đến nay có đủ căn cứ xác định hành vi của ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Ngày 8/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích.
Tiếp đó, ngày 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Quí Thanh , Trần Uyên Phương và tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 9 địa điểm đối với 3 bị can. Các quyết định, lệnh của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã được Viện KSND Tối cao phê chuẩn theo quy định pháp luật.
Đề nghị truy tố 3 cha con Chủ tịch Tân Hiệp Phát do chiếm đoạt 767 tỷ đồng
Truy tố người tố cáo cha con Chủ tịch Tân Hiệp Phát vì tội lừa đảo