Sau chung cư mini, homestay lại ồ ạt rao bán
Kinh doanh thua lỗ, lo ngại thanh tra với công trình xây trái phép trên đất,... một số chủ homestay quyết rao bán với giá 1 triệu đồng/m2.
Sau thời gian “sốt xình xịch”, các khu vực từng là điểm nóng phát triển homestay như Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, vùng ven Hà Nội... hiện rơi vào cảnh nguội lạnh. Nhiều nhà đầu tư “ngộp” tài chính buộc phải rao bán lại với mức giảm giá cả tỷ đồng.
Hết thời 'đẻ trứng vàng', chủ homestay quyết bán lỗ
Trong diễn đàn mua bán bất động sản vùng ven, có môi giới chào bán lô đất rộng gần 1.000m2, tại Minh Trí, Sóc Sơn. Theo giới thiệu của môi giới, lô đất này đã có sẵn nhà, ao đẹp, vị trí gần hồ Đồng Đò và khu công nghiệp. Giá chỉ nhỉnh 1 tỷ, tức tương đương khoảng 1 triệu đồng/m2.
Trên trang mua bán bất động sản, mảnh đất diện tích gần 1.500m2 tại xã Tân Minh, Sóc Sơn được chào bán gấp với giá hơn 7 triệu đồng/m2.
Vài tháng gần đây, đất homestay tại Sóc Sơn được rao bán tràn lan trên mạng, không ít lô đất có giá 1-2 triệu đồng/m2. Nhưng khi liên hệ tìm mua, những lô đất này chủ yếu là đất không sổ đỏ, mua bán giao dịch bằng giấy tờ viết tay. Còn đất có sổ, giá bán khoảng 6-8 triệu đồng/m2.
Khoảng hơn 1 năm trước, đất làm farmstay, homestay tại Sóc Sơn được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đặc biệt ở khu vực gần hồ, có lợi thế cảnh quan, giá từng tăng 50-200% chỉ trong thời gian ngắn.
Chia sẻ với VnBusiness, anh Đào Thanh Tùng (Hà Nội) cho hay, gần 3 tháng qua, anh rao bán khu homestay tại Sóc Sơn, diện tích 1.000m2, có 13 phòng từ trung cấp tới cao cấp, được hoàn thiện bằng các loại gỗ quý, giá 12 tỷ đồng, lỗ gần 1 tỷ đồng so với chi phí đầu tư ban đầu.
Khu homestay này, anh Tùng mua vào từ năm 2019 với giá 10 tỷ đồng, sau đó chi thêm 3 tỷ đồng để trùng tu, nâng cấp từ bể bơi vô cực đến cải tạo cảnh quan, nâng số lượng phòng. Đáng chú, toàn bộ số tiền để tu sửa homestay là từ vay ngân hàng.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa - Nguồn: Laodong.vn
Thời gian đầu, đúng vào thời hoàng kim, lượng khách đông, nhiều thời điểm cháy phòng. Với doanh thu ổn định, mục tiêu trả xong nợ trong 5 năm và bắt đầu có lãi hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, mọi chuyện đổ bể khi dịch Covid-19 ập đến. Sau dịch, du lịch dần phục hồi, tuy nhiên tỷ lệ lấp đầy đến nay vẫn rất thấp.
“Vắng khách, cộng thêm áp lực lãi vay lên tới hơn 120 triệu đồng/tháng (sau khi hết ưu đãi), nên tôi muốn bán để cắt nợ. Sau gần 3 tháng rao bán, tôi đang đàm phán với một khách giảm 1 tỷ so với giá gốc, sắp thành công thì hàng loạt thông tin bên lề xảy ra khiến khách "quay xe”, anh Tùng chia sẻ.
Không chỉ ở Sóc Sơn, kết quả thăm dò chỉ ra hiện tượng bán tháo homestay đang lan rộng ở hầu hết các khu vực vùng ven từng là điểm nóng hút hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng từ nhà đầu tư.
Đơn cử, tại Lương Sơn (Hòa Bình), không ít nhà đầu tư sau 3 - 5 năm mắc kẹt mà chưa nhìn thấy “tia sáng cuối đường hầm” đang đồng loạt rao bán để thu hồi vốn, nhiều căn được rao cắt lỗ 30 - 50%. Như trường hợp của anh Lâm đang rao bán thửa đất rộng 5.000m2 (trong đó có 500 m2 là đất ở, còn lại là đất vườn) tại Lương Sơn với giá 5,5 tỷ đồng, tương đương 1,1 triệu đồng/m2.
Giải mã nguyên nhân khiến chủ homestay chấp nhận cắt lỗ, rao bán tràn lan trên mạng
Ngoài việc phải đối diện với áp lực vay lãi ngân hàng, thì chủ của nhiều homestay còn đang phải đối mặt với nhiều đợt thanh tra gay gắt.
Vì hiện tại, trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý công trình xây dựng vi phạm trên đất. Vì thanh tra, nên nhiều homestay không thể đón khách. Không có khách thì đồng nghĩa không có tiền. Một số chủ homestay cũng lo bị ảnh hưởng, thanh tra, bị thu hồi nên mạnh tay rao bán.
Nguồn: Baophapluat.vn
Trước đó, ông Phạm Quang Ngọc Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đã khẳng định, trong tháng 8 và tháng 9/2023, UBND huyện Sóc Sơn sẽ phá dỡ những công trình vi phạm xây dựng dọc con đường bê tông lên đỉnh đồi Dõng Chum.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xảy ra 60 trường hợp vi phạm đất đai (vi phạm trên đất) diễn ra ở hai xã Minh Phú, Minh Trí. Ngoài ra, huyện Sóc Sơn cũng giao Chủ tịch UBND xã Minh Trí cưỡng chế 6 công trình sai phép và giải tỏa các lều lán xung quanh hồ Đồng Đò.
Đánh giá về thực trạng nhiều người bán tháo homestay, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam từng cho rằng, việc đầu tư tràn lan, không tính toán đã gây ra hiện tượng vỡ trận, khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường.
Vị này cho rằng, việc xây homestay cho thuê, đòi hỏi kinh nghiệm, kiến thức về làm dịch vụ, vận hành, tính toán tỷ suất đầu tư. Trong khi đó, tâm lý chỉ cần mua đất, xây nhà và cho thuê, lợi dụng địa hình, cảnh quan mặc nhiên nghĩ sẽ thành công là sai lầm. Đó là lý do mà homestay mọc lên như nấm nhưng lượng homestay cho thuê đều đặn, thu dòng tiền thường xuyên không lớn. Nhất là nhóm nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, khi thu không đủ bù chi, dễ rơi vào cảnh mất trắng.
Nhiều huyện vùng ven Hà Nội sắp đấu giá đất, khởi điểm từ 5,3 triệu đồng/m2
Vừa 'rời sàn', đất đấu giá vùng ven Hà Nội được rao bán chênh 200-500 triệu đồng