Sầu riêng lại ồ ạt xuất sang Trung Quốc nhờ cách làm mới, người trồng có lãi
Các container sầu riêng tươi, đông lạnh lại nối đuôi nhau xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhờ đó, thế mạnh xuất khẩu rau quả đảo chiều, thu về hơn 800 triệu USD trong tháng 6.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group cho biết, hoạt động xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc hiện đã diễn ra ổn định trở lại. Mỗi tháng, công ty đều đặn xuất khẩu khoảng 35-40 container sầu riêng tươi sang thị trường này.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, những tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng gặp nhiều trở ngại do phía hải quan Trung Quốc siết chặt kiểm tra chất cấm vàng O và kim loại nặng cadimi trên toàn bộ các lô hàng nhập khẩu. Để tránh rủi ro, Vina T&T buộc phải tạm ngưng xuất khẩu nhằm rà soát quy trình, chuẩn hóa chất lượng và hoàn thiện hồ sơ pháp lý. “Sầu riêng là mặt hàng có giá trị cao, một container 16-18 tấn trị giá hàng tỷ đồng. Nếu bị trả hàng, thiệt hại là rất lớn”, ông Tùng nói.
May mắn là trong hai tháng gần đây, hoạt động xuất khẩu đã được nối lại, với sản lượng tương đương cùng kỳ năm 2024. Năm ngoái, Vina T&T từng xuất khẩu hàng nghìn container sầu riêng tươi nguyên trái sang Trung Quốc.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 387 triệu USD, giảm gần 58% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, riêng tháng 5, xuất khẩu đã bật tăng mạnh với mức tăng 139% so với tháng 4, trong đó lượng xuất sang Trung Quốc tăng gần 208%.
![]() |
Với mức giá hiện tại, người trồng sầu riêng vẫn có lãi khá. |
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam từ tháng 5 đến nay, xuất khẩu sầu riêng đã phục hồi rõ rệt tại các thị trường chính như Trung Quốc (gồm cả Hong Kong), Thái Lan và Campuchia. Riêng tháng 6, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng ước đạt 350-400 triệu USD, giúp tổng giá trị xuất khẩu rau quả cả nước đạt gần 810 triệu USD, tăng 30,9% so với tháng trước và tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là tháng đầu tiên trong năm 2025, xuất khẩu trái cây ghi nhận tăng trưởng dương sau 5 tháng liên tiếp giảm sút.
“Nhìn vào số liệu tháng 6, có thể thấy xuất khẩu sầu riêng đã trở lại mức bình thường như năm ngoái. Với đà này, các tháng cao điểm như tháng 9 và 10 tới, kim ngạch có thể đạt 500-550 triệu USD mỗi tháng”, ông Nguyên nhận định.
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của sầu riêng Việt Nam, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch. Từ tháng 5, việc kiểm soát các chất cấm trong trái sầu riêng đã được các doanh nghiệp cải thiện đáng kể. Thay vì mua gom rồi mới kiểm nghiệm như trước, nay các doanh nghiệp yêu cầu nhà vườn và các cơ sở thu mua phải kiểm nghiệm trước khi nhập hàng, giảm đáng kể tỷ lệ bị trả lại.
Hiện là cao điểm thu hoạch sầu riêng tại Đông Nam Bộ và Tây Nguyên – hai vùng có khả năng kiểm soát tốt hàm lượng cadimi. Nhờ đó, việc thông quan sang Trung Quốc cũng thuận lợi hơn.
Giá sầu riêng trên thị trường hiện dao động từ 52.000-65.000 đồng/kg đối với Ri6 loại đẹp; hàng xô khoảng 25.000-30.000 đồng/kg. Với giống Monthong, loại đẹp có giá 72.000-90.000 đồng/kg; hàng xô từ 32.000-50.000 đồng/kg. Mức giá này vẫn đảm bảo người trồng có lãi khá.
Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng giá sầu riêng khó có thể trở lại “đỉnh cao” như giai đoạn 2023-2024. Nguyên nhân là do nguồn cung cho thị trường Trung Quốc ngày càng mở rộng, khi ngoài Thái Lan và Việt Nam, các nước như Malaysia, Indonesia, Campuchia và Lào cũng đã tham gia xuất khẩu chính ngạch loại trái cây này. Ngay cả Thái Lan cũng đang tăng mạnh sản lượng để chiếm lĩnh thị trường.
112 trang trại của láng giềng Việt Nam được xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc
Xuất khẩu sầu riêng lao dốc, nhập từ Thái Lan và Malaysia tăng đột biến