Sau sáp nhập, một đoạn đường 'xương sống' 15,3km tại TP. HCM sẽ xây thêm 6 nút giao hầm cầu vượt
Đây là giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, cải thiện hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế công nghiệp.
Thông tin từ Sở Xây dựng TP. HCM, đoạn đường dài 15,3km từ ngã ba Tân Vạn đến nút giao Mỹ Phước 3 hiện là khu vực có mật độ phương tiện lưu thông dày đặc, đặc biệt là xe tải, xe container từ các khu công nghiệp và cảng cạn ICD.
Đoạn đường 15,3km này không chỉ là một phần trùng với dự án Vành đai 3 mà còn đóng vai trò "xương sống giao thông" khi kết nối loạt khu công nghiệp lớn như Mỹ Phước, VSIP, Sóng Thần… đến sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng lớn ở khu Đông. Việc xảy ra ùn ứ tại các nút giao lớn không còn là hiện tượng cục bộ, mà diễn ra thường xuyên vào giờ cao điểm, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất vận tải và an toàn giao thông.

Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng địa phương quyết định triển khai đầu tư 6 nút giao trong đoạn 15,3km. Phương án này nhằm đảm bảo giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn được thông suốt. 6 nút giao bao gồm hầm chui hoặc cầu vượt sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao, phù hợp với tải trọng xe nặng và đảm bảo khả năng kết nối thông suốt giữa các khu công nghiệp với quốc lộ và cao tốc.
Đoạn 15,3km được đầu tư bắt đầu từ khu du lịch Thủy Châu (giao đường ĐT743A) và kết thúc tại nút giao Bình Chuẩn. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án vẫn đang được các đơn vị chuyên môn tính toán, sau khi hoàn tất khảo sát, lập dự án và hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, các hạng mục đầu tiên có thể khởi công ngay từ năm 2026.
Tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn từ lâu đã giữ vai trò trục xương sống của hệ thống hạ tầng công nghiệp – logistics của tỉnh Bình Dương cũ. Tuy nhiên, tốc độ phát triển công nghiệp quá nhanh đã khiến hệ thống giao thông trở nên quá tải. Việc đầu tư hệ thống hạ tầng khác mức tại các nút giao được xem là "đòn bẩy" giúp giải tỏa áp lực, tăng tốc độ lưu thông và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Dự kiến khi 6 hầm chui hoặc cầu vượt được hoàn thành, đoạn 15,3km này sẽ trở thành hành lang giao thông hiện đại, góp phần hoàn thiện mạng lưới kết nối giữa các khu vực trung tâm TP. HCM, phục vụ cho mục tiêu đưa TP. HCM trở thành đô thị công nghiệp – dịch vụ thông minh hàng đầu khu vực. Hệ thống cầu vượt – hầm chui này kỳ vọng sẽ tạo nên một bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng giao thông của Bình Dương sau khi sáp nhập vào TP. HCM.
>> Một quận trung tâm Thủ đô có kế hoạch xây mới, mở rộng 10 tuyến đường trong năm 2025