Sẽ không xét giảm án 08/18 tội danh có hình phạt tử hình, trong đó gồm ‘Vận chuyển trái phép chất ma túy’
Bộ Công an dự kiến không xét giảm án tại 08/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào năm 2025. Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là các đề xuất sửa đổi liên quan đến hình phạt tử hình, phản ánh sự điều chỉnh tư duy hình sự theo hướng nhân đạo, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn hiện nay.
Cụ thể, dự thảo quy định rõ về tội phạm và hình phạt, bao gồm những quy định chung cũng như các điều khoản cụ thể để điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân có hành vi phạm tội khi tội phạm xảy ra. Đối tượng áp dụng của Bộ luật bao gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

So với Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2017), dự thảo lần này gồm 03 phần, 25 chương và 411 điều. Trong đó, đã có sự điều chỉnh đáng kể: bỏ 01 chương và 18 điều luật, giữ nguyên 180 điều, bổ sung 03 điều luật mới gồm Điều 220 về tội vi phạm quy định xử lý chất thải thông thường và chất thải rắn sinh hoạt, Điều 242 về tội sử dụng trái phép chất ma túy và Điều 40 quy định về hình phạt tù chung thân không xét giảm án.
Đồng thời, có 231 điều luật được sửa đổi hoặc bổ sung. Trong số này, 50 điều luật được sửa đổi, bổ sung về nội dung, gồm 08 điều liên quan đến việc bỏ hình phạt tử hình và 02 điều phù hợp với sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức sau khi không còn tổ chức Công an cấp huyện và sự thay đổi tên gọi một số bộ, ngành theo phương án sáp nhập. Những điều khoản còn lại chủ yếu được điều chỉnh về mức định lượng tiền làm căn cứ xác định khung hình phạt và hình phạt tiền, theo hướng tăng gấp đôi để phù hợp với thực tiễn kinh tế, xã hội.
Dự thảo Bộ luật lần này cũng điều chỉnh định lượng về tiền trong các tội danh có yếu tố định lượng tiền là căn cứ định tội, định khung hoặc hình phạt tiền. Theo đó, mức tiền được nâng gấp đôi so với quy định hiện hành, căn cứ vào sự thay đổi các chỉ số kinh tế như mức lương cơ sở và thu nhập bình quân đầu người vào năm 2025, lần lượt tăng khoảng 2,04 lần và 2,02 lần so với năm 2015.
Trong quá trình sửa đổi, dự thảo còn mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội với 06 tội danh gồm tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi, tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và tội sản xuất trái phép chất ma túy. Việc mở rộng này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giúp ngăn chặn tội phạm ngay từ khâu chuẩn bị, giảm thiểu nguy cơ xảy ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Dự thảo cũng mở rộng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại trong 09 tội danh gồm tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác, tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán niêm yết chứng khoán, tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tội gian lận bảo hiểm y tế và tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Một trong những thay đổi quan trọng nhất trong dự thảo là đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 08 trong số 18 tội danh hiện hành có khung hình phạt cao nhất là tử hình, tương đương với 44,44%. Các tội danh dự kiến sẽ được thay thế hình phạt tử hình bằng tù chung thân không xét giảm án, bao gồm:
Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”;
Tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;
Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”;
Tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”;
Tội “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược”;
Tội gián điệp;
Tội tham ô tài sản;
Tội nhận hối lộ.
Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định cho phép Tòa án tuyên hoãn thi hành án tử hình trong thời gian 02 năm đối với người bị kết án tại thời điểm tuyên án. Điều này nhằm khuyến khích người bị kết án tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, thực hiện nghĩa vụ dân sự hoặc hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xử lý tội phạm. Đồng thời, bổ sung các trường hợp không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) còn nâng mức hình phạt tù và tiền đối với một số tội danh và hành vi để tăng cường tính răn đe, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Những thay đổi này cũng nhằm bảo đảm sự tương thích với các quy định pháp luật quốc tế, đặc biệt là đối với các tội phạm về môi trường và ma túy, góp phần xây dựng một môi trường sống an toàn và bền vững cho các thế hệ tương lai.
>> Sẽ nâng khung hình phạt lên 30 năm tù với tội danh xâm phạm an ninh quốc gia
Bác sĩ nghi xâm hại tình dục bệnh nhân ở Hà Nam có thể đối mặt loạt tội danh
Đề xuất quy định xử lý yêu cầu "không tử hình" người bị dẫn độ