Siêu bão với sức gió hơn 300km/h, đường kính gần bằng 1/2 nước Mỹ: Gây ra hơn 600 trận lở đất, trở thành một trong những ký ức u ám nhất của quân đội 'siêu cường số 1 thế giới'
Mưa lớn do siêu bão đã gây ra hơn 600 trận lở đất, làm ngập hơn 22.000 ngôi nhà và hàng trăm người thương vong.
Cơn bão trở thành một trong những ký ức đen tối nhất của quân đội Mỹ tại Nhật Bản
Vào ngày 19/10/1979, Joe Macdonald, một lính thủy quân lục chiến Mỹ 21 tuổi, đóng quân tại Trại Fuji gần ngọn núi Phú Sĩ nổi tiếng của Nhật Bản. Tiểu đoàn 2 thuộc sư đoàn 4, nơi Macdonald phục vụ, đã đến Trại Fuji để tham gia tập huấn chiến đấu trong điều kiện thời tiết giá lạnh chưa đầy một tháng thì cơn bão Tip, siêu bão mạnh nhất từng được ghi nhận ở Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ, bất ngờ ập đến.
Thời điểm đó, dự báo thời tiết không chính xác như hiện nay nên Trại Fuji chỉ nhận được thông báo trước 24 giờ để chuẩn bị đối phó với siêu bão. Joe Macdonald được giao nhiệm vụ canh gác tại khu vực bảo dưỡng xe của trại vào ngày bão đến. Đến buổi trưa, toàn bộ tiểu đoàn đã được lệnh trở về doanh trại khi gió bắt đầu mạnh lên, đạt tốc độ từ 96km/h đến 112km/h.
Khi trời tối dần, các binh sĩ ngồi trên giường trong những lều Quonset (loại lều chuyên dụng cho quân đội Mỹ). Theo lời kể của Joe Macdonald, gió bão mạnh đến mức làm tốc mái của một số lều. "Cửa ra vào cũng bị gió kéo tung. Vì vậy, các sĩ quan trong căn cứ đã cử một đội đi đóng đinh để giữ các cửa cố định từ bên ngoài", ông Macdonald cho biết thêm.
Tuy nhiên, các binh sĩ Mỹ không thể lường trước rằng chính hành động đóng đinh giữ cửa lại dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Mưa và gió lớn từ siêu bão Tip đã làm vỡ bức tường chắn xung quanh khu vực chứa các thùng nhiên liệu của trại. Những thùng nhiên liệu bằng cao su được đặt trên sườn đồi ngay phía trên doanh trại. Khi bức tường này bị phá hủy, các ống dẫn nhiên liệu bung ra, khiến khoảng 37.800 lít xăng tràn xuống sườn đồi, chảy về phía doanh trại bao quanh các lều của binh sĩ.
Bên trong các lều Quonset, các binh sĩ Mỹ sử dụng máy sưởi dầu hỏa để chống lại cái lạnh. Khi xăng từ trên đồi tràn xuống, chúng nhanh chóng bắt lửa và ngọn lửa bùng lên dữ dội trong màn đêm. Lần lượt, 15 lều Quonset bị ngọn lửa thiêu rụi. Macdonald, nhìn thấy ngọn lửa đang tiến sát đến căn lều của mình, nhận ra rằng lều của ông sẽ là cái tiếp theo bốc cháy.
Tuy nhiên, do cửa lều đã bị cố định bằng đinh từ trước để chống lại cơn bão, ông và các đồng đội bị mắc kẹt bên trong. Chỉ đến khi một viên đại úy phá cửa lều, Macdonald cùng các đồng đội mới có thể chạy thoát khỏi ngọn lửa.
Chỉ vài giây sau khi thoát ra, căn lều Quonset của Macdonald bốc cháy dữ dội như những căn khác. "Viên đại úy đó đã cứu sống 40 người," ông Macdonald hồi tưởng. Ngọn lửa bùng lên suốt hai giờ liền, để lại hậu quả kinh hoàng với 13 lính thủy quân lục chiến thiệt mạng và 68 người bị thương. Sự cố này trở thành một trong những ký ức đen tối nhất của quân đội Mỹ - siêu cường số 1 thế giới tại Nhật Bản.
Siêu bão có đường kính gần bằng một nửa diện tích lục địa nước Mỹ cùng sức gió lên đến 305km/h
Theo trang Hurricanes Science, siêu bão Tip, được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất từng được đo lường trong nhiều thập kỷ, hình thành từ một xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Tây Thái Bình Dương vào đầu tháng 10/1979.
Cơn bão này được phát hiện đầu tiên vào ngày 4/10, khi phát triển từ một áp thấp nhiệt đới. Trong điều kiện lý tưởng của nước biển ấm và gió yếu, siêu bão Tip nhanh chóng phát triển thành một cơn bão nhiệt đới và được đặt tên vào ngày 5/10.
Ban đầu, một cơn bão khác đã ngăn cản Tip mạnh lên. Tuy nhiên, khi Tip di chuyển về hướng Bắc, nó thoát khỏi tầm ảnh hưởng của cơn bão kia và tiếp tục gia tăng sức mạnh. Đến cuối ngày 10/10, Tip đạt cường độ cấp 4 theo thang bão Saffir-Simpson của Mỹ và vào ngày 11/10, nó chính thức trở thành siêu bão. Từ ngày 9/10 đến ngày 11/10, cơn bão trở nên cực kỳ lớn, với đường kính đạt kỷ lục 2.220km. Theo Hurricanes Science, siêu bão Tip lúc đó có đường kính gần bằng một nửa diện tích lục địa nước Mỹ.
Cơn bão tiếp tục mạnh lên và vào sáng sớm ngày 12/10, máy bay do thám thời tiết của Mỹ ghi nhận áp suất thấp kỷ lục toàn cầu là 870 mbar. Lúc này, siêu bão Tip có sức gió lên đến 305km/h và nằm cách đảo Guam (Mỹ) khoảng 840km về phía Tây Tây Bắc.
Sau khi đạt đến sức mạnh cực đại, bão Tip suy yếu thành cơn bão cấp cuồng phong với sức gió 230km/h và duy trì cường độ này trong vài ngày khi di chuyển về phía Tây Bắc. Trong suốt 5 ngày tiếp theo, tốc độ gió của Tip là 55km/h, trải rộng trên một khu vực dài 1.100km tính từ tâm bão.
Ngày 17/10/1979, Tip bắt đầu suy yếu và thu nhỏ dần. Ngày hôm sau, bão chuyển hướng về phía Đông Bắc do ảnh hưởng của một vùng áp thấp gần đó. Sau khi đi qua cách khoảng 65km về phía Đông của đảo Okinawa (Nhật Bản), bão Tip tăng tốc và di chuyển với vận tốc 75km/h.
Vào ngày 19/10, bão Tip đổ bộ lên đảo Honshu của Nhật Bản với sức gió mạnh khoảng 130km/h. Cơn bão tiếp tục di chuyển nhanh về phía Đông Bắc Nhật Bản và tàn dư của nó tiếp tục di chuyển về phía Đông Bắc rồi từ từ suy yếu và cuối cùng tan hẳn.
Máy bay do thám thời tiết của Không quân Mỹ đã bay vào siêu bão ít nhất 60 lần, khiến Tip trở thành một trong những siêu bão được theo dõi chặt chẽ nhất thời điểm đó. Khi đổ bộ, siêu bão Tip đã gây thiệt hại hàng triệu USD cho ngành nông nghiệp và đánh bắt cá của Nhật Bản. Có 8 tàu đánh cá bị mắc cạn hoặc chìm trong cơn bão.
Mưa lớn do siêu bão Tip cũng đã gây ra hơn 600 trận lở đất ở vùng núi Nhật Bản, làm ngập hơn 22.000 ngôi nhà. Theo ước tính, tổng cộng có 99 người thiệt mạng, 71 người mất tích và 283 người bị thương khi Tip đổ bộ vào Nhật Bản. Bão đã phá hủy khoảng 27 cây cầu và 105 con đê. Sau cơn bão, ít nhất 11.000 người mất nơi ở và giao thông vận tải trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng với khoảng 200 chuyến tàu và 160 chuyến bay nội địa của Nhật Bản bị hủy.
Mặc dù Tip là một trong những cơn bão mạnh nhất, nhưng khi đổ bộ vào Nhật Bản, sức mạnh của nó đã suy yếu đáng kể. Hơn nữa, bão đi vào khu vực ít dân cư hơn, do đó giảm đáng kể thương vong về người.