Xã hội

'Siêu' ý tưởng huy động bom hạt nhân đánh tan siêu bão: Thả bom vào mắt bão, vận chuyển bom vào tâm bão bằng tàu ngầm

Vĩ Hạ 08/09/2024 01:09

Nhiều người cho rằng gây ra một vụ nổ đủ lớn là có thể phá hủy một cơn bão.

Bão được hình thành như thế nào?

Bão là một trạng thái nhiễu động mang tính biến chuyển của các tầng khí quyển, được xếp vào loại hình thời tiết cực đoan. Có nhiều loại bão như bão tuyết, bão cát, giông... Tuy nhiên, ở Việt Nam, từ "bão" thường được dùng để chỉ bão nhiệt đới - hiện tượng thời tiết với gió mạnh kèm theo mưa lớn, chỉ xuất hiện ở các quốc gia gần vùng biển nhiệt đới gió mùa.

sieu-bao-yagi(1).png
Hình ảnh siêu bão Yagi - cơn bão mạnh nhất năm nay ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đổ bộ vào Việt Nam. Ảnh: Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Theo tiêu chuẩn quốc tế, bão được phân chia dựa trên sức gió, sử dụng thang sức gió Beaufort và thang bão Saffir-Simpson:

- Sức gió dưới 63km/h được gọi là áp thấp nhiệt đới.

- Sức gió trên 63km/h (cấp 8) được gọi là bão nhiệt đới.

- Sức gió trên 118km/h (cấp 12) được gọi là bão lớn kèm theo cuồng phong.

- Sức gió trên 241km/h được gọi là siêu bão.

Bão thường hình thành ở các vùng nhiệt đới vì hiện tượng thiên nhiên này cần một dòng nước rất nóng, tối thiểu là 26 độ ở độ sâu ít nhất là 50m dưới nước.

Nước nóng tạo nên tình trạng bốc hơi mạnh, mà sự bốc hơi chính là nhiên liệu của bão. Khối khí rất ẩm này sẽ lên cao đến 15km. Ở đó, khí sẽ trở nên lạnh, cô đặc và khiến những đám mây bão không cố định trở nên lớn hơn.

Khi khí lạnh trở xuống, nó lại hút đầy khí ẩm và nóng. Và nó bị hút với tốc độ rất cao vào bên trong ống khí bay lên cao. Sở dĩ có hiện tượng này vì áp suất ở đây thấp hơn những nơi khác. Điều này giải thích tại sao mây cuộn xung quanh ống khói này.

Do Trái Đất quay, ở Bắc bán cầu là chiều ngược lại của kim đồng hồ, còn ở Nam bán cầu là cùng chiều với kim đồng hồ, nên bao giờ bão cũng quay theo cùng 1 chiều. Nước càng nóng, guồng máy nhiệt độ càng lên cao và gió cũng tăng tốc. Lúc này, bão tăng sức mạnh.

Đánh tan siêu bão bằng bom hạt nhân?

Để ngăn chặn sức tàn phá khủng khiếp của bão, nhiều người đã đề xuất những ý tưởng táo bạo để "diệt bão". Chẳng hạn, năm 2019, truyền thông Mỹ đưa tin rằng Tổng thống Donald Trump khi đó đã nhiều lần đề nghị các quan chức an ninh quốc gia xem xét việc sử dụng bom hạt nhân để ngăn chặn bão đổ bộ vào Mỹ.

"Tại sao chúng ta không thả bom hạt nhân vào các cơn bão?" ông Trump đặt câu hỏi trong một cuộc họp về phòng chống bão tại Nhà Trắng.

Theo tờ Axios, ông Trump ủng hộ ý tưởng dùng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn bão nhiệt đới tấn công khu vực miền Đông Nam nước Mỹ.

Nguồn tin của Axios cho biết ông Trump đã đề xuất với các quan chức cấp cao: "Bão bắt đầu hình thành ngoài khơi bờ biển châu Phi. Trong khi nó di chuyển qua Đại Tây Dương, chúng ta có thể ném một quả bom vào mắt bão để đánh tan nó. Tại sao không thể làm điều đó?".

Trước ông Trump, hơn 60 năm trước, nhà khí tượng học người Mỹ Jack W. Reed đã đưa ra ý tưởng sử dụng bom hạt nhân để tấn công và làm suy yếu các cơn bão.

Vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, nhân loại bắt đầu ý thức về sức hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân. Để thay đổi quan niệm rằng bom hạt nhân chỉ là công cụ hủy diệt, vào năm 1958, Mỹ đã khởi xướng dự án Plowshare nhằm sử dụng sức mạnh hạt nhân cho mục đích hòa bình.

Trong dự án này, các nhà khoa học Mỹ được giao nhiệm vụ nghiên cứu các ứng dụng của bom hạt nhân, từ việc đào hầm, nghiên cứu địa chất cho đến sản xuất năng lượng. Nhà Trắng cũng đã thực hiện một số vụ nổ hạt nhân phục vụ dự án.

Trong số các đề xuất, có ý tưởng táo bạo của Jack W. Reed về việc sử dụng vũ khí hạt nhân để “tấn công bão”.

Reed vốn một nhà khí tượng học của không quân Mỹ trong Thế chiến II, đã tham gia nhiều nhiệm vụ vượt bão. Sức mạnh của các cơn bão đã để lại ấn tượng sâu sắc với ông.

Sau này, Reed tham gia vào chương trình thử nghiệm hạt nhân và nghiên cứu ảnh hưởng của các vụ nổ hạt nhân đối với thời tiết. Ông đã nảy ra ý tưởng sử dụng bom hạt nhân để làm suy yếu và thay đổi đường đi của bão.

nem_bom_hat_nhan_lon_nhat_hofx(1).jpg
Reed gợi ý rằng kích nổ một vũ khí hạt nhân ở giữa không trung, ngay ngoài mắt bão có thể làm suy yếu bão. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Reed cũng đề xuất một phương án mạnh mẽ hơn, là thả một quả bom hạt nhân vào mắt bão - nơi ấm hơn phần còn lại của bão khoảng 10 độ. Vụ nổ hạt nhân này sẽ làm nóng không khí, khiến nó bốc lên và kéo theo khí nóng từ mắt bão. Khí lạnh hơn ở rìa bão sẽ tràn vào, làm chậm hoặc thậm chí dừng lại hoàn toàn sự phát triển của cơn bão.

Reed còn đề xuất cách vận chuyển bom hạt nhân vào tâm bão bằng tàu ngầm, cho rằng biện pháp này khả thi và có thể giúp thu thập dữ liệu trước khi phóng tên lửa hạt nhân.

Reed đề xuất ý tưởng này lần đầu vào năm 1956 và muốn đưa vào dự án Năm Địa Vật lý Quốc tế - dự án cộng tác khoa học giữa 67 quốc gia trên thế giới. Đề xuất của Reed bị bác bỏ nhưng ông không nản lòng. Ông gửi lại ý tưởng của mình đến Plowshare năm 1959 và tiếp tục bị từ chối.

Dennis Feltgen. đến từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) khẳng định: “Tấn công bão bằng vũ khí hạt nhân không phải là cách giải quyết”. Randall Munroe, cựu lập trình viên tại NASA cũng đồng tình với quan điểm này.

Chris Landsea thuộc Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ giải thích lý do ý tưởng của Reed hoàn toàn bất khả thi là khó khăn trong việc đánh giá mức năng lượng cần thiết của quả bom hạt nhân để có thể thay đổi cơn bão.

Bất chấp những tính toán của Reed, Landsea cho rằng phần lớn bão nhiệt đới mạnh hơn vũ khí hạt nhân. Đó là chưa kể những hậu quả mà vụ nổ để lại, bởi bụi phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân có thể gây ra hậu quả rất khủng khiếp.

Reed thì không lo lắng về bụi phóng xạ. "Thiết bị dọn dẹp sẽ giúp giảm tối đa những gì sót lại trong không khí. Một vụ nổ trên cao sẽ không để lại bụi phóng xạ quá nhiều. Những đám mây thì nằm phía trên cơn bão nên cũng tránh được mưa phóng xạ", Reed viết trong đơn đề xuất năm 1959.

Reed qua đời năm 2007. Ông vẫn kiên trì với dự án của mình đến tận năm 2004. Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa học cho rằng việc chống lại thiên nhiên bằng bom hạt nhân không phải là một ý tưởng hay.

>> Trận động đất hơn 1 phút có sức hủy diệt tương đương 500 quả bom hạt nhân, phá huỷ 50.000 tòa nhà

Không phải B-52, đây mới là ‘pháo đài bay’ ném bom hạt nhân ‘khủng’ bậc nhất lịch sử không quân: Có thể bay liên tục 16.000km, tải trọng cất cánh tối đa gần 40 tấn

Bên trong ga tàu điện ngầm nằm ở độ sâu 105m dưới lòng đất chống được bom hạt nhân, lập kỷ lục Guinness về độ sâu trên toàn thế giới

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/sieu-y-tuong-huy-dong-bom-hat-nhan-danh-tan-sieu-bao-tha-bom-vao-mat-bao-van-chuyen-bom-vao-tam-bao-bang-tau-ngam-126458.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
'Siêu' ý tưởng huy động bom hạt nhân đánh tan siêu bão: Thả bom vào mắt bão, vận chuyển bom vào tâm bão bằng tàu ngầm
POWERED BY ONECMS & INTECH