Siêu cường thất bại với tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới như đống sắt vụn, Chính phủ ngay lập tức ra luật cấm đối với các toà nhà cao
Toà nhà này không chỉ là "tòa nhà ma" cao nhất thế giới mà còn là câu chuyện cảnh báo các nhà phát triển bất động sản từ Chính phủ.
Dự án tháp Goldin Finance 117 ở Thiên Tân (Trung Quốc), còn được gọi là China 117 Tower được thiết kế với 117 tầng trên mặt đất và 3 tầng hầm, chiều cao hơn 596m và diện tích sàn lên đến 847.000m2. Tổng mức đầu tư cho dự án này trị giá 10 tỷ USD (hơn 250.000 tỷ đồng).
Goldin 117 thuộc sở hữu của Tập đoàn Goldin Real Estate, do doanh nhân Hồng Kông Phan Tô Thông đứng đầu. Ông từng lọt vào danh sách những người giàu nhất Trung Quốc và châu Á nhờ kinh doanh đồ điện tử và bất động sản.
Thiết kế của Goldin Finance 117. Ảnh: Sina
Dự án Goldin Finance 117 được thiết kế với mục đích trở thành dự án bất động sản cao cấp trung tâm thành phố Thiên Tân. Nó được bắt đầu xây dựng vào năm 2008, nhưng chỉ 2 năm sau bị dừng lại vì hậu quả của cuộc đại suy thoái. Toàn bộ dự án bao gồm trung tâm thương mại, khu dân cư, văn phòng hạng A, khách sạn, và công viên giải trí thể thao chuẩn quốc tế. Trên đỉnh tòa nhà, một giếng trời hình thoi sẽ có đài quan sát, hồ bơi, nhà hàng và quầy bar.
Sau đó, công trình được tiếp tục vào năm 2011, dự kiến năm hoàn thành 2018 đến năm 2019. Tuy nhiên, đến tháng 9 năm 2015, việc xây dựng một lần nữa bị đình chỉ và không được tiếp tục. Tuy bị đình chỉ nhưng Goldin Finance 117 vẫn đang là tòa nhà cao thứ 5 trên thế giới. Nếu hoàn thành thì nó sẽ chỉ đứng sau Burj Khalifa của Dubai. Tiếc thay bây giờ nó là tòa nhà bị bỏ hoang cao nhất thế giới.
Goldin Finance 117 dang dở trở thành đống sắt vụn chọc trời. Ảnh: Getty Images
Vì sao toà nhà chọc trời này không được tiếp tục? Một số chuyên gia cho rằng Goldin Group là một công ty mới tham gia thị trường bất động sản Trung Quốc và việc thiếu sự hậu thuẫn về tài chính từ Chính phủ Trung Quốc đã khiến công ty này gặp khó khăn. Phải tự đầu tư tất cả tiền cho dự án là một phương án mạo hiểm, nhưng nếu công ty có thể thực hiện được thì lợi nhuận vô cùng xứng đáng.
Tại Trung Quốc, các nhà phát triển không được phép bán trước các dự án cho đến khi được chính quyền kiểm tra và phê duyệt sản phẩm hoàn thiện. Mà đối với một nhà phát triển bất động sản, con số 250.000 tỷ thật sự là con số khổng lồ.
Thật không may, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã gây thêm áp lực cho Goldin. Sau khi bong bóng thị trường chứng khoán Trung Quốc vỡ, Goldin không đủ tài chính duy trì giá trị cổ phiếu của mình và giá rớt mạnh.
Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm chiều cao của các toà nhà. Ảnh: Getty Images
Năm 2018, dự án có dấu hiệu tái khởi động, nhưng cuối cùng Tổng công ty Kỹ thuật Xây dựng Nhà nước Trung Quốc đã rút lui, làm tan biến hy vọng hoàn thành dự án. Niềm hy vọng cuối cùng về việc chứng kiến Goldin Finance 117 hoàn thành dường như đã tắt ngấm, tòa nhà chọc trời cao 600m này đã bị bỏ hoang kể từ đó.
Hiện, Goldin Finance 117 không chỉ là "tòa nhà ma" cao nhất thế giới mà còn là câu chuyện cảnh báo các nhà phát triển bất động sản khác và thậm chí là Chính phủ Trung Quốc. Sau thất bại của Golding Group, năm 2020, chính quyền nước này đã ban hành một nghị định hạn chế đáng kể quy mô và số lượng các tòa nhà chọc trời được phép xây dựng trên khắp đất nước.
Cụ thể, một thông báo Chính phủ được đưa ra vào tháng 10/2021 yêu cầu các thành phố có dân số dưới ba triệu người sẽ không được phép xây dựng các tòa nhà chọc trời. Việc xây cao hơn 150m - độ cao mà một tòa nhà chính thức trở thành "tòa nhà chọc trời" - sẽ không còn được phép nữa.
Những người phê duyệt các dự án vi phạm các quy tắc mới này sẽ phải chịu "trách nhiệm suốt đời", tuyên bố cho biết thêm.
>> Thủ đô có thêm một tuyến đường mới nối hai huyện sẽ lên quận vào cuối năm 2024