Siêu dự án khí đốt tỷ USD Nga - Trung gặp biến lớn: Quốc gia trung gian bất ngờ 'phá vỡ' kế hoạch
Trở ngại mới này đã làm phức tạp thêm một siêu dự án vốn đã không chắc chắn.
Kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đầy tham vọng giữa Nga và Trung Quốc hiện đang gặp phải trở ngại, do một quốc gia hoàn toàn tách biệt gây ra: Mông Cổ.
Theo Radio Free Europe, Chính phủ Mông Cổ đã không đưa kinh phí cho dự án đường ống dẫn khí Power of Siberia-2 vào kế hoạch chi tiêu của nước này trong 4 năm tới. Được biết, quốc gia này đóng vai trò là quốc gia "đệm" giữa Nga và Trung Quốc, và sự tham gia của Mông Cổ là cần thiết để dự án này có thể thực hiện được.
Trở ngại mới này đã làm phức tạp thêm một siêu dự án vốn đã không chắc chắn.
“Gã khổng lồ” năng lượng Nga Gazprom đã bắt đầu công tác thiết kế và khảo sát đường ống vào năm 2022, đồng thời dự kiến đường ống này có thể cung cấp 100 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga đến Trung Quốc mỗi năm.
Điều này sẽ khiến đường ống Siberia-2 trở thành thỏa thuận lớn nhất của Gazprom với Bắc Kinh và có thể cung cấp một giải pháp rất cần thiết để đối phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Sau khi khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, các hạn chế năng lượng đối với Moscow đã làm tê liệt hoạt động thương mại khí đốt của nước này.
Nghiên cứu do công ty ủy quyền cho thấy Gazprom khó có thể thu hồi được doanh số bán khí đốt bị mất do cuộc chiến Nga-Ukraine trong ít nhất một thập kỷ, khiến việc triển khai dự án Siberia-2 trở nên cấp thiết hơn.
Tuy nhiên, các đối tác Trung Quốc lại đối mặt với ít áp lực hơn, vì theo các chuyên gia năng lượng, Trung Quốc không cần thêm khí đốt cho đến giữa những năm 2030. Vì lý do này, các cuộc đàm phán về đường ống đã bị đình trệ giữa Bắc Kinh và Moscow, do tranh chấp về giá cả và mức cung cấp.
Theo Radio Free Europe, kế hoạch xây dựng đường ống này cũng trái ngược với xu hướng chuyển dịch sang năng lượng xanh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Hơn nữa, dự án Siberia-2 không phải là lựa chọn duy nhất của Trung Quốc: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đường ống Line D, làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Turkmenistan.
Việc mở rộng tiếp cận các thị trường phương Đông đã chứng minh là một “cứu cánh” cho Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc đã đứng ở vị trí trung tâm trong quá trình chuyển đổi này, với thương mại song phương tăng vọt lên mức kỷ lục 240 tỷ USD vào năm ngoái.
Theo Business Insider
>> Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc có chỉ thị mới về siêu dự án khí đốt công suất 50 tỷ m3