Giếng khoan 5.700m bất ngờ phát tin mừng khi xuất hiện ngọn lửa bùng cháy dữ dội, kho báu khủng được 'mở khóa' nhờ công nghệ cao
Công nghệ siêu khủng được đưa vào sử dụng để khai thác kho báu nằm sâu gần 6.000m dưới lòng đất.
Vào năm 2018, Công ty Dầu khí Tây Nam Trung Quốc đã công bố tin mừng khi giếng khoan Yongtan 1 đạt được kết quả lớn. Theo đó, trong quá trình thử nghiệm giếng khoan với độ sâu khoảng 5.749m, một ngọn lửa cao từ 6-8m đã bốc cháy dữ dội, chứng tỏ bể chứa này giàu trữ lượng khí. Đây là dấu hiệu quan trọng cho thấy tiềm năng khai thác khí đốt tại khu vực này rất hứa hẹn.
Dòng khí đốt tự nhiên năng suất cao được phát hiện tại Giếng Yongtan 1 không chỉ giúp mỏ dầu khí Tây Nam Trung Quốc gia tăng đáng kể trữ lượng và sản lượng khí mà còn khẳng định một lần nữa tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên tại lưu vực Tứ Xuyên. Phát hiện này tạo ra niềm tin mới trong việc phát triển ngành khí đốt tự nhiên ở khu vực, mở ra cơ hội mới cho việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên quan trọng này.
Theo đánh giá từ PetroChina, tổng nguồn tài nguyên khí đốt tự nhiên ở lưu vực Tứ Xuyên đã lên tới 38.000 tỷ m3, tương đương khoảng 30 tỷ tấn dầu quy đổi. Trong đó, trữ lượng có thể khai thác đạt khoảng 26.000 m3, tương đương xấp xỉ 20 tỷ tấn dầu quy đổi, đứng đầu cả nước.
Do tính chất phức tạp và đặc biệt của bể chứa khí tại giếng Yongtan 1, các nhà nghiên cứu địa chất và kỹ thuật đã tiến hành một loạt nghiên cứu tỉ mỉ trước khi triển khai thi công giếng thử khí. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong quá trình khoan, đội ngũ kỹ thuật đã áp dụng các quy trình và công nghệ tiên tiến, nhằm tăng tốc độ khoan và hạn chế tối đa các rủi ro. Cụ thể, họ đã thực hiện các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn hạt rắn từ dung dịch khoan gây tắc nghẽn lỗ rỗng của bình chứa khí, từ đó đảm bảo rằng quá trình khai thác sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
Về mặt công nghệ, Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các thuật toán thông minh để phát triển một mô hình địa chất, từ đó dự đoán các mục tiêu khoan, thiết kế đường dẫn giếng ngang và dự báo cấu trúc địa chất có thể gặp khi khai thác khí đốt.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng triển khai hệ thống khoan thông minh tiên tiến, được dẫn đường bởi công nghệ định vị mục tiêu 3D. Hệ thống này đóng vai trò như cơ quan trung tâm, điều khiển nhiều công cụ, thiết bị khác nhau trong quá trình khoan. Tất cả công cụ, thiết bị được phối hợp một cách nhịp nhàng để hoàn thành nhiệm vụ khoan một cách chính xác.
Hơn nữa, thiết bị chụp ảnh dựa trên sóng điện từ được trang bị trên máy khoan giúp các kỹ sư giám sát quá trình thi công một cách chính xác. Thiết bị này hoạt động bằng cách gửi sóng điện từ vào các tầng địa chất, sau đó nhận tín hiệu phản xạ để khám phá các đặc tính điện và ranh giới của tầng địa chất.
Nhờ vào sự xuất hiện của công nghệ định hướng chính xác 3 chiều sử dụng mô hình cấu trúc dầu khí dưới lòng đất, các mũi khoan có thể tiếp cận các điểm khai thác tối ưu nhất. Hệ thống dẫn đường linh hoạt và hệ thống định vị địa chất sau đó đưa mũi khoan đến các mục tiêu được chỉ định thông qua cấu trúc cơ khí linh hoạt.
Trong quá trình phát triển công nghệ khai thác khoáng sản, Trung Quốc đã đạt được ba bước đột phá quan trọng. Đầu tiên, Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra hệ thống tự động phân tích khu vực xung quanh mỏ quặng, phân tích cơ chế hình thành kim loại trong nhiều năm và phân tích cơ chế hình thành trong tự nhiên.
Một bước tiến lớn khác là trong phát triển công nghệ thăm dò quanh vùng mỏ quặng, Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu thăm dò môi trường và khoáng sản, giúp nhận dạng và dự đoán hình ảnh quặng một cách hiệu quả và chính xác. Hệ thống AI này có khả năng khảo sát và mô phỏng hình ảnh quặng dưới dạng 2D và 3D, từ đó hỗ trợ các nhà khoa học và kỹ sư trong việc lập kế hoạch thăm dò và khai thác một cách hiệu quả hơn.
Trung Quốc cũng đã cải thiện đáng kể khả năng xử lý dữ liệu lớn và ứng dụng các công nghệ mới làm cho các thiết bị phân tích cầm tay trở thành một phương tiện đáng tin cậy trong thăm dò khoáng sản. Cụ thể, các thiết bị sử dụng định vị GPS để đánh dấu vị trí và đo lường thời gian chính xác, từ đó giúp cho các chuyên gia có được thông tin địa lý, hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao phục vụ quá trình khai thác.