‘Siêu’ hang động dài nhất châu Á trải dài hơn 400km và sâu 900m, kỳ quan địa chất đáng kinh ngạc được hình thành cách đây 100 triệu năm
Với kích thước ấn tượng và mang nhiều giá trị về địa chất, sinh học, nơi này còn được gọi với cái tên "bảo tàng hang động đá vôi tự nhiên".
Hang động Shuanghe dài 437,1km, giữ kỷ lục là hang động dài nhất châu Á và đứng thứ ba trên thế giới về chiều dài. Đây cũng là hang dolomite (một loại đá trầm tích carbonate) dài nhất trên toàn cầu.
Tân Hoa xã thông tin, theo kết quả khảo sát khoa học hợp tác năm 2024, hiện tại cụm hang động Shuanghe có tổng cộng 115 cửa hang thông nhau, với chiều dài mới được cập nhật lên đến 437,1km và độ sâu duy trì ở mức 912m.
Nằm sâu trong khu vực núi đá vôi của tỉnh Quý Châu, Shuanghe là phần của một vùng núi karst rộng lớn, được hình thành khoảng 100 triệu năm trước. Cấu trúc karst, vốn là kết quả của hàng triệu năm nước xói mòn và bào mòn đá vôi, đã tạo nên một loạt các hang động lớn với những khoang trống, hành lang dài và các tầng ngầm phức tạp.
Không giống như những hang động khác chỉ có một hoặc hai tầng, Shuanghe trải rộng thành nhiều tầng khác nhau, kết nối với nhau qua các giếng sâu và các lối đi hẹp. Điều này tạo ra một cấu trúc đa chiều, phức tạp, biến Shuanghe trở thành một trong những hệ thống hang động quy mô nhất thế giới, được các nhà khoa học và thám hiểm quốc tế đặc biệt chú ý.
Hang động này sở hữu nhiều điều kỳ thú, trong đó có loài kỳ giông khổng lồ dài đến 1m đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, từ đợt khảo sát hang động quốc tế lần thứ 22 đến lần thứ 23 tại Shuanghe, số lượng và chủng loại hóa thạch cổ sinh trong cụm hang động đã tăng lên đáng kể. Các nhà khoa học đã phát hiện thêm 6 bộ hóa thạch gấu trúc lớn tại các hang như Gen Dong, Jinzhulinwan Feng Dong, Chenhuatang Shui Dong, và Dalukan Xiaokeng (trong đó, 2 bộ được tìm thấy trong đợt khảo sát lần này), cũng như nhiều hóa thạch của động vật móng guốc như linh dương Trung Hoa và tê giác Sumatra.
Với kích thước ấn tượng và mang nhiều giá trị về địa chất, sinh học, nơi này còn được gọi với cái tên "bảo tàng hang động đá vôi tự nhiên".
Được biết, từ cuối những năm 1980 đến nay, cụm hang động Shuanghe đã trải qua 22 đợt khảo sát khoa học quốc tế. Qua nhiều năm hoạt động khảo sát và nghiên cứu, các đội khảo sát đã phát hiện ra một số lượng lớn các di tích địa chất cùng nhiều hóa thạch cổ sinh và sinh vật hang động, cung cấp nguồn tư liệu phong phú và có giá trị cao cho các nghiên cứu về địa chất hang động, môi trường và đa dạng sinh học.
Ngày nay, hang động Shuanghe không còn chỉ thu hút sự quan tâm của các nhóm khảo sát khoa học mà ngày càng nhiều tài nguyên hang động tại đây đã được phát triển thành các điểm du lịch kỳ bí.
Theo ông Liu Dezhang, Giám đốc điều hành Công ty Phát triển Du lịch Guizhou Shier Beihou, cách thức khai thác hang động truyền thống thường bao gồm việc xây dựng lối đi, lắp đặt ánh sáng để du khách tham quan và ngắm cảnh quan địa chất. Trong khi đó, khu du lịch Shuanghe đã tận dụng hệ thống hang động rộng lớn và nhiều nhánh phụ tại đây để thực hiện một số thử nghiệm sáng tạo về hình thức trải nghiệm và tính năng sản phẩm du lịch trong hang động.
Nhờ vào tài nguyên thiên nhiên độc đáo của hang động đá, những hoạt động đa dạng như nghiên cứu, học tập, làm việc nhóm, cắm trại và lễ hội âm nhạc đã được tổ chức, từ đó thu hút một lượng lớn du khách, và số lượng này không ngừng tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, khu nghỉ dưỡng còn mở rộng thêm các hoạt động mới như cắm trại trong hang động, leo núi và vượt thác.
Tổng hợp
Hang động lớn nhất thế giới của Việt Nam được trang du lịch của Anh ca ngợi là kỳ quan ẩn trong rừng