Khai quật đền cổ, tìm thấy đường hầm cổ xưa dài hơn 1.300m dưới lòng đất được ví như ‘kỳ quan hình học’
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều hiện vật quý giá như bình gốm dưới lớp trầm tích và một khối đá vôi hình chữ nhật.
Theo Ancient Origins, vào năm 2022, Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập đã công bố khám phá ấn tượng về một đường hầm đục đá nằm sâu 13m dưới lòng đất, phía Tây Alexandria. Đường hầm này, với chiều dài hơn 1.300m, được ví như "kỳ quan hình học", là một phần của khu vực đang được nghiên cứu nhằm tìm kiếm lăng mộ thất lạc của nữ hoàng Cleopatra nổi tiếng.
Đường hầm có chiều dài hơn 1.300m (Ảnh: Internet)
Đoàn khảo cổ Ai Cập Dominica, đứng đầu bởi tiến sĩ Kathleen Martinez từ Đại học San Domingo, đã phát hiện ra đường hầm khi tiến hành khai quật tại đền Taposiris Magna. Trong quá trình này, họ cũng tìm thấy nhiều hiện vật quý giá như bình gốm dưới lớp trầm tích và một khối đá vôi hình chữ nhật. Đáng chú ý, hai bức tượng bằng thạch cao, có niên đại từ thời Ptolemaic, cũng được tìm thấy gần ngôi đền.
Một phần của đường hầm bị ngập nước, cho thấy nền móng của đền Taposiris Magna cũng có thể đã chìm dưới nước. Theo các chuyên gia khảo cổ, kể từ năm 320 đến năm 1303, đã có ít nhất 23 trận động đất xảy ra dọc theo bờ biển Ai Cập, khiến cho ngôi đền sụp đổ và chìm một phần dưới nước.
Về kiến trúc, đường hầm mới phát hiện được so sánh với hầm Eupalinos trên đảo Samos, Hy Lạp – một trong những kỳ công kỹ thuật của thời Hy Lạp - La Mã cổ đại.
Một phần của đường hầm bị ngập nước, cho thấy nền móng của đền Taposiris Magna cũng có thể đã chìm dưới nước (Ảnh: Internet)
Phía sau đền Taposiris Magna, các nhà khảo cổ còn phát hiện một nghĩa địa chứa nhiều xác ướp theo phong cách Hy Lạp - La Mã, tất cả đều quay mặt về phía ngôi đền. Điều này gợi ý rằng đền có thể là nơi an nghỉ của một nhân vật hoàng gia quan trọng như Cleopatra. Các chuyên gia hy vọng rằng đường hầm mới được phát hiện này sẽ giúp họ tiến gần hơn đến việc khám phá ngôi mộ bí ẩn của nữ hoàng Cleopatra ( Cleopatra là nữ hoàng của Vương quốc Ptolemaic ở Ai Cập từ năm 51 TCN cho đến khi bà qua đời vào năm 30 TCN).
Được biết, trong suốt 14 năm qua, tiến sĩ Martínez đã dẫn dắt nhiều cuộc khai quật tại khu vực này. Những phát hiện quan trọng trong khoảng thời gian đó càng củng cố niềm tin của bà rằng ngôi mộ của nữ hoàng Cleopatra VII và người tình Mark Antony có thể đang ở rất gần.