Tỉnh này sẽ trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Theo đó, đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ của vùng và quốc gia.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7,5 - 8,0%, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 11 -12%/năm (công nghiệp tăng 12 - 13%/năm, xây dựng tăng 10 - 11%/năm); dịch vụ tăng 7,0 - 7,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,5 - 3,0%/năm.
Về cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 44 - 48%; ngành dịch vụ chiếm 31 - 34%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 15 - 16% và thuế sản phẩm 5 - 6% trong GRDP của tỉnh. Thu hút khách du lịch đạt 16 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 15 - 20%.
GRDP bình quân/người đạt khoảng 7.800-8.000 USD. Thu nhập bình quân đầu người năm 2030 tăng gấp 2,7 - 3,5 lần so với năm 2020.
Theo đó, quy hoạch nêu rõ ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực, phát triển du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế. Đồng thời, giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”, với hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến du lịch xanh và thông minh (một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
>> Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ
Sẽ làm 65 tuyến đường bộ mới
Trong phương án đầu tư phát triểnhạ tầng giao thông tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh sẽ nâng cấp, cải tạo và đưa vào vận hành một số tuyến cao tốc như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hàng loạt đường ven biển, đường tránh đô thị,…
Đáng chú ý, tỉnh dự kiến xây dựng thêm 6 tuyến đường tỉnh là ĐT.711 nối từ QL1 đến đường ven biển ĐT.716; ĐT.712 nối dài kết nối với đường bộ cao tốc; ĐT.817 kéo dài (Hàm Cần – Mỹ Thạnh); ĐT.719 nối dài (đoạn từ Tân Hải – Tân Xuân – Tân Thắng); đường Liên Hương – Phan Dũng – Tà Năng; đường Thuận Hòa – Liên Hương.
Ngoài ra, Bình Thuận dự kiến làm 59 tuyến đường trọng yếu, đường giao thông đô thị, đường vào các khu sản xuất, khu du lịch, cụm, khu công nghiệp,…
Như vậy, về đường bộ, Bình Thuận sẽ có thêm 65 tuyến mới trong giai đoạn này.
Với đường sắt, Bình Thuận nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp II, nghiên cứu xây dựng các tuyến đường nhánh kết nối đến bến cảng Vĩnh Tân phục vụ vận tải hàng hóa cho khu vực logistics Vĩnh Tân; cải tạo tuyến nhánh từ ga Bình Thuận đến ga Phan Thiết phục vụ vận tải hành khách chất lượng cao; xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo quy hoạch được phê duyệt; xây dựng hệ thống các ga đường sắt và hạ tầng kết nối với hệ thống giao thông đối ngoại.
Về cảng hàng không, tỉnh xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng Cảng hàng không Phan Thiết đạt cấp 4E, công suất đạt 3 triệu hành khách/năm vào năm 2025. Ngoài ra, tỉnh nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay chuyên dùng tại huyện đảo Phú Quý theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
>> Bình Thuận: Nhiều dự án điện mặt trời chiếm dụng đất, xây trái phép
Tỉnh nhỏ thứ 2 Việt Nam sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
6 tỉnh Bắc Trung Bộ 'chia nhau' hơn 1.000 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon