Theo các nhà phân tích, nỗ lực đẩy mạnh mảng thương mại điện tử của TikTok sẽ gặp nhiều khó khăn tại Đông Nam Á sau khi Indonesia ban hành lệnh cấm bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội.
Cuối tháng 9/2023, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – áp đặt lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) trên mạng xã hội nhằm bảo vệ doanh nghiệp vi mô, vừa và nhỏ. TikTok chấp hành quy định từ ngày 5/10 và dừng bán hàng trên TikTok Shop.
Theo Li Jianggan, nhà sáng lập hãng nghiên cứu Momentum Works, tại các nước Đông Nam Á khác, những người bán hàng và chợ ngoại tuyến bị ảnh hưởng lợi ích vì nền tảng thương mại xã hội có khả năng khiếu nại lên chính phủ và vận động cấm TikTok Shop.
Li nhận xét TikTok từ nay sẽ gặp khó khăn hơn khi mở rộng hoạt động nếu người dùng không trực tiếp mua sắm từ ứng dụng. Công ty bắt đầu cung cấp tính năng mua sắm trong ứng dụng từ giữa năm 2021, đặt hy vọng tăng trưởng tương lai vào TMĐT, biến hàng triệu khán giả xem nội dung thành luồng thu ổn định.
Chưa rõ TikTok có dự định mở ứng dụng TMĐT riêng tại Indonesia hay không.
Theo tờ The Malay Mail, Bộ trưởng Truyền thông và Kỹ thuật số Malaysia Ahmad Fahmi bin Mohamed Fadzil tuần trước cho biết Kuala Lumpur sẽ xem xét lệnh cấm giao dịch TMĐT qua mạng xã hội của Indonesia. Trước khi bị Jakarta cấm, TikTok Shop tăng trưởng mạnh mẽ tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Singapore, Thái Lan. Ngoài ra, còn hoạt động tại Anh, Ả-rập Xê-út, Mỹ.
Lệnh cấm của Indonesia giáng đòn mạnh vào kế hoạch biến những cú nhấp chuột thành lợi nhuận của TikTok, theo Li. Tại Trung Quốc, ứng dụng cùng nhà Douyin đang mang doanh thu TMĐT lớn về cho ByteDance.
Tuy nhiên, Li nhận xét số phận của hoạt động thương mại xã hội tại Đông Nam Á sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa TikTok, các nhóm lợi ích khác nhau và chính phủ sở tại.
TikTok từng gặp nhiều sóng gió tại Indonesia. Tháng 7/2018, Indonesia là nước đầu tiên cấm ứng dụng video ngắn vì phát tán nội dung không phù hợp, khiêu dâm và báng bổ. TikTok bổ sung quản trị nội dung và được dỡ bỏ lệnh cấm 8 ngày sau.
Tuần trước, Bộ TT&TT công bố loạt sai phạm của TikTok tại Việt Nam. Liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT, TikTok chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop theo quy định, vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 62 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 (sửa đổi tại điểm b khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022).
TikTok bị Ấn Độ cấm từ năm 2020 sau vụ đụng độ của binh sỹ Ấn Độ - Trung Quốc tại biên giới hai nước.
(Theo SCMP)
Apple, Google được kêu gọi sẵn sàng xóa TikTok
Mỹ yêu cầu Apple, Google 'sẵn sàng' xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng