Starlink của tỷ phú Elon Musk nhắm đến thị trường Campuchia, mở rộng ảnh hưởng tại Đông Nam Á
Trước đó, vào tháng 5/2024, Indonesia đã trở thành quốc gia thứ ba trong khu vực cấp phép cho Starlink hoạt động, sau Philippines và Malaysia.
Starlink, hệ thống internet vệ tinh của tỷ phú Elon Musk, đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Campuchia – thị trường tiềm năng ngay sát Việt Nam. Trong chuyến thăm gần đây, đại diện SpaceX-Starlink đã có nhiều cuộc gặp với giới chức Campuchia để thảo luận về khả năng mở rộng hoạt động tại quốc gia này vào năm 2025.
Theo Khmer Times, bà Rebecca Hunter, Giám đốc Tiếp cận thị trường của SpaceX-Starlink, cùng các cộng sự đã đến Campuchia và có cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Sun Chanthol. Trước đó, đoàn đại biểu của Starlink cũng đã chào xã giao Thủ tướng Campuchia Hun Manet.
Bà Hunter cho biết mục tiêu của chuyến thăm là tăng cường quan hệ với Chính phủ Campuchia, gặp gỡ lãnh đạo cấp cao để tìm hiểu về môi trường đầu tư và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ viễn thông. Bà nhấn mạnh Campuchia là một trong những điểm đến ưu tiên của Starlink trong năm 2025.
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol bày tỏ hoan nghênh sự quan tâm của Starlink và khẳng định chính phủ nước này đang tập trung phát triển lĩnh vực công nghệ, một trong năm ưu tiên chính của "Chiến lược Ngũ Giác - Giai đoạn 1" nhằm ứng phó với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh Campuchia sẵn sàng hỗ trợ các công ty quốc tế tìm kiếm cơ hội đầu tư tại quốc gia này.
![]() |
Campuchia là một trong những điểm đến ưu tiên của Starlink trong năm 2025. Ảnh minh họa |
>> xAI của Elon Musk tiết lộ Grok-3: 'Kẻ thách thức' mới đối với OpenAI và DeepSeek
Bên cạnh cuộc gặp với Phó Thủ tướng, bà Hunter cũng đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Bưu chính và Viễn thông Campuchia Chea Vandeth. Tại đây, hai bên thảo luận về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc triển khai dịch vụ internet vệ tinh của Starlink tại Campuchia. Bộ trưởng Chea Vandeth hoan nghênh Starlink và khuyến khích công ty hợp tác với cơ quan quản lý viễn thông để thúc đẩy quá trình cấp phép.
Không chỉ Campuchia, Starlink đang đẩy mạnh sự hiện diện tại Đông Nam Á. Trước đó, vào tháng 5/2024, Indonesia đã trở thành quốc gia thứ ba trong khu vực cấp phép cho Starlink hoạt động, sau Philippines và Malaysia. Theo Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia, Elon Musk đã đầu tư khoảng 30 tỷ IDR (tương đương 1,8 triệu USD) vào Indonesia để triển khai dịch vụ internet vệ tinh. Dù không có thông tin chi tiết về việc sử dụng khoản đầu tư này, đây được xem là quỹ ban đầu để Starlink vận hành tại thị trường này.
Sự xuất hiện của Starlink đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành viễn thông Indonesia, khi đây là nhà cung cấp internet đầu tiên sử dụng hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO). Khác với các vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh (GEO) – thường được các nhà khai thác truyền thống sử dụng với quỹ đạo cách Trái Đất 36.000 km, vệ tinh LEO có quỹ đạo chỉ khoảng 2.000 km hoặc thấp hơn, giúp cải thiện tốc độ và giảm độ trễ internet đáng kể. Điều này mang lại lợi thế lớn cho Starlink trong việc cung cấp dịch vụ internet tốc độ cao với chi phí cạnh tranh.
Tại Indonesia, Starlink hiện là dịch vụ internet vệ tinh có giá thành rẻ nhất, gây áp lực lên các nhà cung cấp viễn thông nội địa. Việc Starlink mở rộng sang Campuchia có thể tiếp tục tạo ra những tác động lớn đối với thị trường viễn thông khu vực, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận internet tốc độ cao cho nhiều người dùng tại Đông Nam Á.
Từ năm 2018, Starlink đã triển khai 6.912 vệ tinh lên quỹ đạo, trong đó 6.874 vệ tinh vẫn đang hoạt động. Hiện nay, hệ thống này cung cấp dịch vụ internet cho nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, mà không phụ thuộc vào hạ tầng cáp truyền thống.