Thị trường

Startup thương mại điện tử Việt được loạt ông lớn 'chống lưng' tuyên bố giải thể

Bảo Linh 08/02/2025 00:27

Sau nhiều nỗ lực cứu vãn, Telio – startup thương mại điện tử B2B hàng đầu Việt Nam – chính thức giải thể vào cuối năm 2024.

Telio, một trong những nền tảng thương mại điện tử B2B tiên phong tại Việt Nam, đã chính thức dừng mọi hoạt động từ cuối tháng 11/2024 và giải thể vào tháng 12/2024. Thông tin này được nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với Tech in Asia.

Việc giải thể khiến khoảng 400 nhân viên mất việc, bao gồm cả đội ngũ công nghệ tại Ấn Độ. Đây là kết cục đáng tiếc cho một startup từng được kỳ vọng sẽ thay đổi cách thức vận hành của ngành bán lẻ truyền thống tại Việt Nam.

Chỉ vài tháng trước khi đóng cửa, Telio vẫn nỗ lực cải thiện tình hình tài chính bằng cách cắt giảm khoản lỗ hàng tháng xuống còn 280.000 USD, giảm 80% so với mức đỉnh 1,4 triệu USD. Công ty đặt mục tiêu đạt lợi nhuận EBITDA vào giữa năm 2026 và dự kiến huy động thêm 10-15 triệu USD vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, kế hoạch gọi vốn thất bại và không có cơ hội sáp nhập, khiến Telio không còn khả năng duy trì hoạt động.

Mặc dù doanh thu hàng tháng vẫn đạt 2,5-3 triệu USD vào thời điểm đóng cửa, nhưng với nguồn vốn cạn kiệt, startup này không thể trụ vững trên thị trường.

Startup thương mại điện tử Việt được loạt ông lớn 'chống lưng' tuyên bố giải thể
Telio từng được loạt ông lớn như Tiger Global, Granite Asia, Peak XV và VNG "chống lưng". Ảnh minh họa

>> Startup Việt vượt mặt 'gã khổng lồ' Google, ChatGPT trong cuộc đua AI dịch thuật

Ra đời vào năm 2019, Telio hướng đến việc số hóa các cửa hàng tạp hóa truyền thống bằng cách kết nối họ với các thương hiệu và nhà cung cấp, tương tự mô hình warung ở Indonesia hay sari-sari store tại Philippines. Telio từng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư và gọi vốn thành công 52,5 triệu USD từ các quỹ lớn như Tiger Global, Granite Asia, Peak XV và VNG.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, công ty bắt buộc phải thu hẹp quy mô nhằm tiết kiệm chi phí. Ban lãnh đạo tập trung tái cơ cấu danh mục sản phẩm, loại bỏ các mặt hàng có biên lợi nhuận thấp, nhưng những nỗ lực này không thể xoay chuyển tình hình. Telio đã mở rộng quá nhanh trong giai đoạn đầu, dẫn đến áp lực tài chính nặng nề mà công ty không thể gánh vác lâu dài.

Dù sở hữu tiềm năng lớn, Telio không thể vượt qua những thách thức đặc trưng của mô hình thương mại điện tử B2B. Các vấn đề bao gồm chi phí vận hành cao, biên độ lợi nhuận thấp, chuỗi cung ứng phức tạp. Nhà sáng lập Telio thừa nhận rằng quy mô hiện tại của công ty không đủ lớn để duy trì mô hình kinh doanh với lợi nhuận cao nhưng khối lượng giao dịch thấp.

Trước khi sáng lập Telio, Bùi Sỹ Phong từng khởi nghiệp với OnOnPay – một nền tảng ví điện tử và nạp tiền điện thoại ra mắt vào năm 2015. Dù có tiềm năng, OnOnPay không đạt được thành công mong muốn. Sau đó, ông tiếp tục theo đuổi tham vọng với Telio, lấy cảm hứng từ chương trình eFounders Fellowship của Alibaba.

Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp của ông cũng gặp phải nhiều thách thức pháp lý. Năm 2020, ông Phong thua kiện trong một vụ tranh chấp kéo dài hai năm tại Singapore khi các nhà đầu tư cũ cáo buộc ông đã sử dụng nguồn lực của họ để phát triển Telio mà không được phép.

>> Startup Trung Quốc 'đảo chính' trong thế giới AI, vượt mặt loạt ông lớn Microsoft, Google và Meta

Startup xe điện từng được định giá 30 tỷ USD chuẩn bị phá sản

Startup Việt mong chờ quyết sách đột phá từ Nghị quyết 57

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/startup-thuong-mai-dien-tu-viet-duoc-loat-ong-lon-chong-lung-tuyen-bo-giai-the-275163.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Startup thương mại điện tử Việt được loạt ông lớn 'chống lưng' tuyên bố giải thể
    POWERED BY ONECMS & INTECH