Dự án xây dựng 6 cầu vượt của tỉnh Bình Dương với số vốn ban đầu là 2.000 tỷ đồng nay đã được tỉnh chỉ đạo đổi hướng sang xây dựng hầm chui tại các nút giao.
Nhằm phục vụ giao thông cho tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn đi qua nhiều khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương đã thông qua dự án cải tạo giao thông công cộng tỉnh thuộc nhóm A có tổng đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) Nhật Bản hơn 1.300 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng của tỉnh hơn 700 tỷ đồng.
Theo đề án ban đầu, dự án được triển khai trong giai đoạn 2019-2025 với một số hạng mục chính như 6 cầu vượt tại các nút giao lớn trên đường Mỹ Phước Tân Vạn. Cùng với đó, dự án sẽ triển khai tuyến xe bus nhanh kết nối giữa thành phố mới Bình Dương và ga Suối Tiên với chiều dài 30km.
Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng 6 cầu vượt với số vốn 2.000 tỷ đồng như ban đầu đã chuyển hướng xây dựng hầm chui do trùng với dự án đường Vành đai 3 TP. HCM.
Trước đó ở thời điểm dự án được kiểm duyệt thông qua, Chính phủ chưa có chủ trương xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM. Với dự án này, đường Vành đai 3 TP. HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 26km, trong đó có đoạn dài 15km trùng với đường Mỹ Phước Tân Vạn và trùng với dự án tuyến xe bus nhanh.
Theo kế hoạch ban đầu, đoạn trùng với đường bus nhanh sẽ xây dựng cầu vượt trên cao với 4 làn xe nối từ TP. HCM theo đường Vành đai 3 về Bình Dương. Để có thể phát huy hiệu quả cũng như thực hiện đúng tiến trình dự án, tỉnh Bình Dương đã điều chỉnh đoạn bị trùng này sang làm hầm chui.
Với sự thay đổi này, dự án đang được trình các cấp thẩm quyền sớm phê duyệt đúng trình tự. Để đảo bảo hiệu quả, an toàn của dự án, phía đại diện Nhật Bản và Bình Dương cũng sẽ có thời gian bàn bạc để cùng có những điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.
Bên cạnh tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn, ở thời điểm hiện tại tỉnh Bình Dương cũng đã bắt đầu thực hiện công trình hầm chui đầu tiên trên tuyến quốc lộ 13 (Đại lộ Bình Dương). Công trình được đầu tư nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua khu vực ngã 5 Phước Kiến, nâng cao năng lực thông hành trục quốc lộ 13, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Cù, Nguyễn Văn Tiết tại khu vực nút giao.
Tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn có chiều dài hơn 60km, là tuyến đường chính nối Bình Dương – TP. HCM, đi qua nhiều khu công nghiệp. Vào giờ cao điểm, tại các điểm ngã tư, tuyến đường này thường xuyên ùn ứ phương tiện. Xe container, xe tải hạng nặng chủ yếu đi qua tuyến đường này, trung bình mỗi phút có 15 container đi ra khỏi Bình Dương.
>> Lộ diện vị trí Bình Dương lựa chọn để di dời 2.900 doanh nghiệp, nhà máy