Sửa biệt thự, công nhân bất ngờ tìm thấy kho báu 1.000 đồ cổ bằng vàng, bạc, nghi là "báu vật" của giới quý tộc từ nhiều thế kỷ trước
Các công nhân xây dựng đã bất ngờ tìm thấy một kho báu toàn vàng, bạc.
Cuối tháng 3/2012, trong quá trình tu sửa một biệt thự cổ 2 tầng đổ nát tại St Petersburg, các công nhân xây dựng đã bất ngờ tìm thấy một kho báu với hơn 1.000 món đồ dùng các loại bằng bạc và vàng được giấu trong căn hầm ẩn giữa các tầng của ngôi nhà.
Các món đồ trong kho báu này đều còn nguyên vẹn và thậm chí khá mới, được tin là các đồ dùng trong một gia đình quý tộc Nga. Nhiều món cổ vật được bọc trong những tờ báo viết từ những tháng đầu năm 1917, khi nước Nga đang hướng tới cuộc Cách mạng Bolshevik nhằm chấm dứt chế độ quân chủ.
Kho báu được tìm thấy bởi công ty Intarsia, công ty phụ trách việc phục hồi tòa biệt thự cổ đã bị bỏ hoang nhiều năm, cũng là tâm điểm tranh cãi của việc ai là người sở hữu kho báu vào thời điểm đó.
Giá trị và nguồn gốc của kho báu vẫn chưa được xác định. Nhưng một số nguồn tin cho rằng, chúng có thể là các đồ vật từng được dùng bởi Sa hoàng Peter Đại đế trong thế kỷ 17 hoặc của nhà thơ nổi tiếng thế kỷ 19 Alexander Pushkin.
Dinh thự này được Công tước Vasily Naryshkin mua vào năm 1875, đây cũng là gia đình của bà Nataliya Naryshkina, vợ thứ hai của Sa hoàng Alexis và là mẹ của Peter Đại đế.
Dinh thự này được ghép lại với nhau bằng cách nối hai ngôi nhà từ thế kỷ 18, một trong số đó thuộc về ông nội người châu Phi của nhà thơ Pushkin, Abram Gannibal.
Theo báo chí Nga, sau khi những người Bolshevik quốc hữu hóa tài sản cá nhân, một phần của dinh thự đã được biến thành stolovaya - một nhà hàng giống như căng tin phục vụ các bữa ăn tự chọn.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, tòa nhà này trở thành căn hộ riêng, sau đó được công ty Intarsia mua lại để biến thành trung tâm hội nghị và văn hóa. Intarsia cho biết họ muốn trưng bày các hiện vật cho công chúng xem tại đây sau khi hoàn thành tu sửa.
Sergei Malinkovich, người đứng đầu một tổ chức tại khu vực, nói với hãng tin Rosbalt rằng nhóm của ông sẽ nộp đơn xin quyền sở hữu các món cổ vật với lý do nhóm này được quyền kế thừa từ những người Cộng sản đã quốc hữu hóa tài sản nhà nước.
Ông nói: “Điều cốt yếu ở đây là vào thời điểm khi kho báu được cất giấu, nó không còn là tài sản của gia tộc Naryshkins nữa”.
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước dẫn lời Ivan Artsishevsky, đại diện Vương tộc Romanov ở Nga, nói rằng có vẻ như họ hàng của gia đình Naryshkins – chủ nhân gần nhất của ngôi nhà đang sống ở Pháp, nhưng không rõ liệu người này có đang hứng thú với những cổ vật có giá trị hay không.
Theo Dailymail