Hiện nay, việc xây dựng các trạm sạc ô tô điện gặp nhiều vấn đề, từ cơ chế chính sách đến nguồn lực, ở mỗi địa phương lại có hướng dẫn lắp đặt khác nhau, mức độ cung cấp điện không đồng đều, thậm chí bị người dân phản đối vì sợ cháy nổ.
Các chuyên gia và đại diện các cơ quan quản lý cho rằng, cơ hội phát triển xe điện ở Việt Nam đang rất rộng mở, cùng với đó là nhiều chính sách thông thoáng từ Chính phủ. Tuy vậy, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện cần sớm được hoàn thiện để bắt kịp với sự phát triển của loại hình phương tiện này.
Vì chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc, doanh nghiệp sản xuất xe điện tại Việt Nam gặp nhiều lúng túng khi lắp đặt mạng lưới trạm sạc.
Xây dựng trạm sạc xe điện còn nhiều khoảng trống về quy chuẩn, tiêu chuẩn
Trong khuôn khổ Hội thảo "Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” được Bộ GTVT tổ chức mới đây, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra những nghiên cứu, nhận định và giải pháp để phát triển xe điện và xe sử dụng năng lượng sạch từ nay đến giai đoạn 2040 - 2050 theo lộ trình của Chính phủ.
Một vấn đề mà cả doanh nghiệp và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cùng quan tâm, đó chính là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam liên quan đến xe điện.
Theo đó, những quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay về xe điện nói chung và ô tô điện nói riêng còn tồn tại khá nhiều khoảng trống khiến các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước lúng túng.
Cụ thể, trong quá trình xây dựng trạm sạc, VinFast đã phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế để đảm bảo chất lượng trạm sạc vì Bộ Khoa học và công nghệ có quy chuẩn/tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc.
Ngoài ra, còn một số khó khăn khác đến từ các vấn đề pháp lý, việc hướng dẫn lắp đặt trạm sạc ở mỗi địa phương cụ thể có hướng dẫn lắp đặt khác nhau, nguồn điện cũng như mức độ cung cấp điện không đồng đều,... cũng ảnh hưởng đến việc phủ rộng các trạm sạc của VinFast.
Hiện nay, VinFast đang tập trung vào sản xuất trạm sạc cho ô tô điện. Với xe máy, việc sạc tại nhà đơn giản nên chưa tích hợp chung với ô tô. Trong tương lai, Vinfast sẽ phát triển trạm sạc để có thể tích hợp cả xe ô tô và xe máy điện.
Trong quá trình xây dựng mạng trạm sạc, Vinfast đã từng gặp sự phản đối của người dân sống xung quanh vì nỗi lo nguy cơ hỏa hoạn.
Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn 09:2015/BGTVT, cơ bản đáp ứng được các quy định liên quan đến việc kiểm soát an toàn kỹ thuật về môi trường với xe ô tô điện. Tuy nhiên, quá trình phát triển đối với xe điện quá nhanh, cần bổ sung thêm các quy định về các công nghệ, định hướng phân loại phương tiện, công nghệ hỗ trợ tính năng lái tự động, phân loại phương tiện theo cấp độ tự động lái.
Tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng trạm sạc đang được hoàn thiện
Vào tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, chương trình này đã đặt ra lộ trình giai đoạn 2022 - 2030 sẽ phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, và giai đoạn 2031 - 2050 sẽ hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) sẽ nghiên cứu, xây dựng, soát xét các tiêu chuẩn về trạm sạc IEC 61851, dây và cáp sạc, thiết bị bảo vệ cá nhân trong trạm sạc, thiết bị đo và hỗ trợ tính phí, hệ thống lắp đặt điện từ trạm sạc đến lưới điện, tủ điện, bảng điện cho trạm sạc,...
Để thực hiện kế hoạch này, Tổng cục cũng đã thành lập ba Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, gồm: TCVN/TC E1 Máy điện và khí cụ điện, TCVN/TC E4 Dây cáp điện, TCVN/TC E16 Hệ thống truyền năng lượng cho xe điện.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn cho trạm sạc mới chỉ là một phần trong rất nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan nguồn điện, lưới điện, chính sách, quy mô thị trường,.. trong hành trình để xe điện thay thế các xe chạy xăng truyền thống.
Chẳng hạn, Trung Quốc với tổng số xe điện hiện vượt qua con số 10 triệu xe đã gặp một “cuộc khủng hoảng” trong đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè vừa qua. Trước tình trạng nguồn cung điện thiếu tin cậy, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hạn chế đối với việc sạc xe điện để ưu tiền các nhu cầu điện hằng ngày quan trọng hơn.
Điều này khiến cho hàng dài xe điện phải xếp hàng chờ ngoài trạm sạc ngay cả sau nửa đêm và các tài xế taxi điện bị ảnh hưởng nặng nề vì cuộc sống mưu sinh phụ thuộc vào xe điện. “Tưởng như Trung Quốc đã có một cơ sở hạ tầng sạc tương đốt tốt, nhưng khi một sự kiện gì đó - chẳng hạn như lệnh hạn chế sạc được đưa ra - thì các vấn đề mới được phơi bày”, Lei Xing, nhà phân tích ngành công nghiệp ô tô, chia sẻ với MIT Technology Review.
Xem thêm: VinFast lấn sân, tiếp tục chinh phục thị trường Pháp
Từ 1/1/2025, đô thị đặc biệt nhất Việt Nam sẽ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính
Sắp có hầm xuyên núi dài 4.280m kết nối sân bay Cam Ranh tới hòn ngọc biển Đông của Việt Nam