Số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam có thể tăng sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán 2023.
Ngày 9/1/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ra công điện yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ cho biết, diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, chưa ổn định; các biến thể, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Trong đó biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch, lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron đã xuất hiện ở 70 quốc gia và gần đây biến thể phụ XBB.1.5 đã gây các đợt bùng phát dịch mới ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán, các hoạt động giao thương, du lịch và mùa lễ hội đầu năm 2023, vừa bảo đảm phòng, chống dịch khoa học, an toàn, hiệu quả; đồng thời tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi, phát triển kinh tế và xã hội, tận dụng tối đa các cơ hội giao thương, thu hút khách du lịch, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu.
Bộ Y tế cần liên tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế; kịp thời thời hướng dẫn trong trường hợp cần thiết và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch đảm bảo chủ động, sẵn sàng và kịp thời ứng phó với các diễn biến có thể xảy ra của dịch bệnh; phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình để điều chỉnh các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng giao Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động, sự kiện dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2023 đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Ngoài ra, các bộ ngành như Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công Thương, Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và lưu thông hàng hóa trong thời gian Tết Nguyên đán và dịp lễ hội đầu năm để người dân được đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh; đồng thời tiếp tục bảo đảm các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, giao thương, du lịch.
Nguy cơ dịch có thể bùng phát
Theo một số chuyên gia cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng mắc Covid-19 sẽ tăng. Nhận định này dựa trên việc phân tích và kinh nghiệm từ việc đánh giá tình hình dịch tễ của các quốc gia khác. Cụ thể, số ca mắc của các quốc gia đều tăng nhanh trong mùa lễ (giáng sinh, Tết Dương lịch…).
Việc dự báo ca bệnh tại nước ta chưa chính xác do nhiều người dân mắc Covid-19 nhưng không còn khai báo đầy đủ”. Bên cạnh đó, việc lây nhiễm phải qua thời gian nhất định, theo chu kỳ số ca mắc "không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai.
Dựa vào tình hình dịch tễ học, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán số ca mắc, tử vong sẽ tương đối ổn định. Tuy nhiên, sau Tết khoảng 15-30 ngày, chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt rõ ràng về ca mắc.
Do vậy, Bộ Y tế cho rằng thời gian tới, số ca mắc mới có thể gia tăng. Đặc biệt, nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi có bệnh lý nền, có nguy cơ cao nhiễm virus và diễn biến nặng.
Các quốc gia khi xảy ra dịch bệnh đều chưa thể kiểm soát được việc lây nhiễm. Cụ thể, biến chủng Omicron vừa xuất hiện, một số quốc gia đã hạn chế đi lại nhưng hiệu quả chưa cao. Vậy nên, các nhà khoa học đánh giá dù hạn chế đi lại cũng không thể ngăn biến thể này lây lan. Theo các chuyên gia biến thể mới (XBB.1.5) sẽ xuất hiện tại Việt Nam, chỉ là sớm hay muộn.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thúc đẩy công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; thường xuyên rà soát để đảm bảo các nhóm nguy cơ, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch,... được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; đẩy mạnh tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.
Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân tự bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới.
Ca bệnh hô hấp ở Trung Quốc gia tăng, Bộ Y tế đề nghị phối hợp, cung cấp thông tin
Bộ Y tế yêu cầu giám sát bệnh truyền nhiễm nguy hiểm - Marburg