Tăng điều kiện đấu thầu: “Điểm nghẽn” làm khó doanh nghiệp
Dự thảo Thông tư ban hành mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu đang được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến hiện nhận được sự quan tâm của cộng đồng DN.
Nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định tại dự thảo gây khó khăn lớn cho các DN tham gia đấu thầu, đặc biệt tại các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, tạo "lợi thế tuyệt đối" cho số ít nhà đầu tư lớn…
Khó đạt “quy mô vốn tối thiểu”
Trong phần quy định kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công trình, dự án tương tự (đối với dự án có cấu phần xây dựng), quy định nhà đầu tư phải có góp vốn chủ sở hữu vào dự án tương tự trước đây, với giá trị tối thiểu thông thường trong khoảng 50 - 70% yêu cầu về vốn chủ sở hữu của dự án đang xét hoặc trong khoảng 30 – 70%, tuỳ thuộc loại dự án.
Theo phản ánh của các DN, việc xác định thông tin này khá mất thời gian trên hệ thống kế toán. Các DN thường không thể tự báo cáo mà phải làm thêm các thủ tục như thuê kiểm toán để có bên thứ ba xác nhận. Điều này khiến việc chuẩn bị hồ sơ mất nhiều thời gian và có thể lỡ thời hạn nộp hồ sơ dự thầu.
Trong pháp luật về kinh doanh bất động sản (BĐS) cũng có quy định tương tự về đánh giá vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, dao động từ 15 - 20% tổng mức đầu tư của dự án đang xét, tùy vào diện tích đất của dự án. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, đây là tiêu chí đánh giá năng lực của nhà đầu tư được thực hiện ổn định từ trước đến nay và đảm bảo tính hợp lý, khả thi. Do vậy, đơn vị này đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định việc chứng minh vốn chủ sở hữu đã góp của nhà đầu tư đối với dự án trước đây.
Theo VCCI, việc đặt ra quy định về quy mô vốn tối thiểu của dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm của nhà đầu tư có tác động hạn chế các nhà đầu tư tham gia đấu thầu dự án. “Đối với các dự án quy mô nhỏ, quy định này có thể không có nhiều tác động vì thường sẽ có nhiều nhà đầu tư đáp ứng. Tuy nhiên, đối với những dự án quy mô lớn, việc tìm được các nhà đầu tư có kinh nghiệm dự án tương tự quy mô vốn 50% là điều tương đối khó khăn”- VCCI nhấn mạnh. VCCI viện dẫn, trên hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia có đăng tải dự án lên đến 80.000 tỷ đồng. Như vậy, theo quy định, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện dự án từ 40.000 - 56.000 tỷ đồng trở lên thì mới được tham gia thầu.
Kết quả là sẽ chỉ có một số rất ít DN có thể tham gia đấu thầu. Do đó, việc đưa yếu tố quy mô vốn tối thiểu của dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm của nhà đầu tư cần được hết sức cân nhắc. “Đối với giới hạn tối thiểu thì nên cho phép các cơ quan mời thầu chủ động quyết định, có thể rất thấp nếu họ thấy điều kiện này là không cần thiết” - VCCI nêu.
Đồng quan điểm, Hiệp hội BĐS Việt Nam đề nghị điều chỉnh tỷ lệ đối với yếu tố đánh giá tổng vốn đầu tư/tổng mức đầu tư tối thiểu từ 50 - 70% xuống mức từ 20 - 50% trong phần năng lực kinh nghiệm để không gây khó cho DN.
Tỷ lệ nghiệm thu 80% là không thực tế
Trong phần "Kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công trình, dự án tương tự đối với dự án có cấu phần xây dựng", Dự thảo cũng quy định tỷ lệ hoàn thành phần lớn dự án theo 2 phương án: Phương án 1: "có tối thiểu 80% số lượng hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng từng phần"; hoặc phương án 2: "có tối thiểu 80% giá trị khối lượng công việc của dự án được nghiệm thu".
Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, quy định tỷ lệ dự án hoàn thành phần lớn theo dự thảo Thông tư như trên là không khả thi. Trên thực tế, để đạt được tỷ lệ tối thiểu 80% số lượng hạng mục công trình hoặc 80% giá trị khối lượng công việc của dự án được nghiệm thu đối với các dự án có quy mô lớn thì thời gian triển khai kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Quy định này sẽ hạn chế tính cạnh tranh lành mạnh của những DN có năng lực tham gia đấu thầu các dự án sử dụng đất có tổng mức đầu tư lớn hoặc diện tích dự án có quy mô lớn; tạo ra cơ chế độc quyền cho một vài DN.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu (HoREA) nhận định, cách quy định "đo ni đóng giày" này chỉ phù hợp với một số nhà đầu tư lớn. Nếu quy định được đưa vào áp dụng sẽ tạo sân chơi không công bằng và đa số nhà đầu tư trong nước sẽ "bị loại ngay từ vòng gửi xe".
Trong khi đó, quy định về yêu cầu "dự án hoàn thành phần lớn" đối với dự án có cấu phần xây dựng cũng đang được áp dụng theo Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT của Bộ KH&ĐT ghi rõ tương đương trong khoảng 50 - 70% tổng mức đầu tư của dự án đang xét. Quy định này hợp lý và đã được thực thi từ năm 2021 đến nay, nên cần tiếp tục thực hiện. “Các quy định cần phải minh bạch, hiệu quả kinh tế và nhất là bảo đảm tính cạnh tranh cho các DN tham gia đấu thầu dự án”- ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Lo ngại dự án lớn rơi vào tay nước ngoài
Trong khi đó, ghi nhận ý kiến chung từ cộng đồng DN, những quy định bất cập nêu trên nếu được thông qua sẽ gây khó khăn lớn cho các DN tham gia đấu thầu. Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả Ngọ Trường Nam: “Hiện nay, Thông tư 06/2024 của Bộ KH&ĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia yêu cầu "Nhà thầu đã thực hiện hoàn thành hoặc hoàn thành 80% khối lượng hợp đồng giám sát xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp III trở lên…" là hợp lý. Nếu đưa thêm nữa điều kiện công trình, dự án được nghiệm thu theo dự thảo Thông tư đang lấy ý kiến sẽ kéo theo nhiều bất cập, vì có hàng loạt yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của DN”.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, những quy định này sẽ làm sụt giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, tạo "lợi thế tuyệt đối" cho số ít nhà đầu tư lớn, nhất là các DN lớn của nước ngoài. Quy định này đã hạn chế các nhà đầu tư Việt Nam có năng lực mặc dù họ không đầu tư những dự án có quy mô rất lớn; không phù hợp với quy định của nguyên tắc đảm bảo tính cạnh tranh tại Điều 6 và Điều 16 của Luật Đấu thầu năm 2023.
Các tổ chức quốc tế thường khuyến nghị các quốc gia xây dựng hệ thống đấu thầu sao cho tăng sự cạnh tranh. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khuyến nghị không nên xây dựng các tiêu chí đấu thầu ưu tiên nhà thầu có kinh nghiệm hoặc gây ra sự khó khăn không cần thiết đối với cả nhà thầu mới. Vì vậy, Bộ KH&ĐT cần xem xét thấu đáo, điều chỉnh các quy định cho phù hợp thực tiễn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN có năng lực thực hiện dự án để bảo đảm thi hành Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực, hướng đến khung pháp lý hoàn thiện sẽ tháo gỡ vướng mắc cho địa phương, tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội vào nhiều ngành, lĩnh vực.
Không nên đánh giá năng lực kinh nghiệm bằng những con số quá cao về tỷ lệ vốn góp, tổng vốn đầu tư, vô hình trung tạo "rào cản" cho DN. Các quy định mới của pháp luật cần góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, tạo nên sân chơi cạnh tranh minh bạch. Từ đó, thúc đẩy hoạt động đầu tư, tạo điều kiện cho các DN có nội lực, có khát vọng, có kinh nghiệm tham gia bình đẳng vào mọi dự án quy mô lớn, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Chủ tịch Hiệp hội HoREA Lê Hoàng Châu
Theo quy định của pháp luật, khi tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thi công các công trình xây dựng, bên tổ chức đấu thầu phải bảo đảm cho các nhà thầu được quyền cạnh tranh bình đẳng, tạo ra những điều kiện cần thiết để thiết lập, duy trì việc các nhà thầu được quyền cạnh tranh ngang nhau, như nhau trong toàn bộ quá trình đấu thầu.
TS Nguyễn Minh Phong
>> Top 10 doanh nghiệp tư nhân nộp thuế cao nhất trên sàn chứng khoán nửa đầu năm 2024
Cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản vượt đỉnh trước thềm chia cổ tức tỷ lệ 120%
Lịch chốt quyền và ngày trả cổ tức bằng tiền của 5 doanh nghiệp: QNS, TLG...