Vĩ mô

Tăng thuế TTĐB: Nhà nước thất thu, doanh nghiệp đối diện “cú sốc”

Khúc Văn 09/08/2024 - 18:49

Doanh nghiệp cho rằng, tăng thuế sẽ làm họ gặp rất nhiều khó khăn, đối diện rủi ro đóng cửa, đặc biệt còn gây lãng phí nguồn lực xã hội, tổn thất lớn cho người lao động, an sinh xã hội.

Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi với nhiều sửa đổi quan trọng. Đối với ngành đồ uống, các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ là đối tượng chịu tác động trực tiếp của đề xuất điều chỉnh của Luật.

Dự thảo đề xuất lộ trình tăng thuế TTĐB liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia, đồng thời bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam(TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

Tăng thuế TTĐB: Nhà nước thất thu, doanh nghiệp đối diện “cú sốc”
Doanh nghiệp lên tiếng “kể khổ".

Doanh nghiệp lên tiếng “kể khổ”

Trước đề xuất này, nhiều doanh nghiệp đồ uống đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại nếu đề xuất được thông qua. Với cùng quan điểm, khi tăng thuế, doanh nghiệp sẽ phải tăng giá bán, đối mặt nguy cơ giảm doanh thu và thua lỗ.

Bà Trịnh Thị Vân Giang, đại diện Tiểu ban rượu vang và rượu mạnh thuộc Eurocham (thuộc Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam EuroCham) cho biết, việc tăng thuế buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm rất nhiều chi phí hoạt động trong khi ngành rượu vang, rượu mạnh đã và đang đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài những khó khăn trên thì các doanh nghiệp trong ngành hàng rượu vang và rượu mạnh còn phải đối mặt với những đề xuất và quy định trong thời gian tới. Ví dụ như tăng thuế giá trị gia tăng, thuế tối thiểu toàn cầu cũng như những quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong khi mặt hàng đồ uống có cồn như giảm thuế VAT không được hưởng hỗ trợ như ngành hàng khác.

Theo ông Trần Hậu Cường, Giám đốc Halico, doanh nghiệp đã rất khó khăn do COVID-19. Trong khi các doanh nghiệp ngành khác được hỗ trợ thuế VAT thì doanh nghiệp ngành rượu bia không được hỗ trợ.

Vị Giám đốc Halico nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất là sự cạnh tranh không công bằng giữa rượu bia doanh nghiệp sản xuất với rượu bia sản xuất trong dân. Ông cũng cho rằng nếu mục tiêu quan trọng nhất của việc áp thuế là bảo vệ sức khỏe của người dân thì có thể thực hiện 2 giải pháp: Tăng cường quản lý nhà nước và tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của rượu bia không hợp pháp.

Thậm chí, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Bia Sài Gòn còn cho rằng, với lộ trình như đề xuất, doanh nghiệp không nhìn thấy triển vọng tăng trưởng nhanh chóng và sáng sủa cho những năm sắp tới.

"Tăng thuế sẽ làm doanh nghiệp rất khó khăn, đối diện rủi ro đóng cửa, đặc biệt các nhà máy nhỏ. Không những vậy, việc này còn khiến lãng phí nguồn lực xã hội, tổn thất lớn cho người lao động, an sinh xã hội", ông Giang cho biết.

>> Nghị định 100 'đánh gục' Bia Hà Nội (Habeco)

Tăng ngân sách ngắn hạn, giảm sức cầu dài hạn

Về phía các chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, với tác động của Luật thuế TTĐB sửa đổi có thể tăng thu NSNN trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế TNDN.

“Tổng hòa của dự thảo về việc tăng hay giảm thu thuế vẫn là chưa rõ. Do vậy cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam”, ông Lực nói.

Tăng thuế TTĐB: Nhà nước thất thu, doanh nghiệp đối diện “cú sốc”
Tăng ngân sách ngắn hạn, giảm sức cầu dài hạn.

Đồng quan điểm, PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế. Do đó cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Cũng theo đánh giá của TS. Nguyễn Quốc Việt, đại diện Nhóm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR 2024), mức thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần được xác định hợp lý để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước hiệu quả nhưng cũng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần đảm bảo sự công bằng trong việc thu thuế đối với mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và mức thuế áp dụng cần được quy định rõ ràng, minh bạch và lộ trình phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành pháp luật thuế.

Riêng với mặt hàng rượu bia, ông Việt đề xuất, trong điều kiện kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19 và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng, cần xác định mức thuế suất tạm thời để theo dõi mức độ đạt được kết quả phù hợp mục tiêu và các yếu tố liên quan.

>>Chuyên gia: 'Bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng là hoàn toàn phù hợp'

Ngành đồ uống trước nguy cơ ‘cú sốc’ từ thuế tiêu thụ đặc biệt

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Doanh nghiệp lên tiếng 'kể khổ'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tang-thue-ttdb-nha-nuoc-that-thu-doanh-nghiep-doi-dien-cu-soc-244870.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tăng thuế TTĐB: Nhà nước thất thu, doanh nghiệp đối diện “cú sốc”
POWERED BY ONECMS & INTECH