Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của Vietcombank dự kiến sẽ tăng lên 55.891 tỷ đồng - đứng thứ 2 trong hệ thống.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có văn bản gửi Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) cho biết, đã nhận được tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu trả cổ tức của Vietcombank. Đây là một trong những thủ tục cuối cùng để Vietcombank tiến hành phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận Vietcombank tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 18,1% đã được ĐHCĐ 2022 thông qua.
Với mức vốn điều lệ sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức dự kiến là 55.891 tỷ đồng, Vietcombank sẽ vượt qua VietinBank và BIDV để trở thành ngân hàng quốc doanh có vốn điều lệ cao nhất.
Tuy nhiên, xét trên toàn hệ thống, vốn điều lệ của Vietcombank vẫn "thua" một ngân hàng tư nhân khác là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB).
Cụ thể, cuối tháng 9/2022, VPBank đã thực hiện phát hành thêm hơn 2,24 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%. Sau phát hành, vốn điều lệ của VPBank tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%.
Đến ngày 28/11/2022, VPBank đã chính thức sửa đổi nội dung Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng với vốn điều lệ được sửa đổi thành hơn 67.434 tỷ đồng - cao nhất hệ thống ngân hàng.
Gần đây, bảng xếp hạng vốn điều lệ của các ngân hàng Việt cũng có nhiều sự thay đổi. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tuần trước cũng chính thức tăng vốn điều lệ lên gần 39.000 tỷ đồng - vượt Techcombank để trở thành ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ cao thứ 3 hệ thống (sau VPBank và MB Bank).
Hai cá nhân rót hơn 1.000 tỷ đồng mua gần 10% vốn ngân hàng NCB là ai?
Triệt phá đường dây làm giả ‘thẻ ngành’ công an, quân đội để lập hồ sơ lừa đảo vay tiền ngân hàng