Space Epoch và Taobao đang có màn hợp tác thử nghiệm dự án giao hàng tên lửa, hứa hẹn sẽ là cuộc cách mạng hóa ngành vận chuyển với tốc độ chưa từng thấy.
Từ thương mại điện tử đến vận chuyển vũ trụ
Sohu đưa tin, vào ngày 31/3, Space Epoch - một công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất tên lửa hàng đầu tại Bắc Kinh (Trung Quốc) - đã công bố dự án hợp tác với Taobao, nền tảng thương mại điện tử hàng đầu nước này. Cả 2 đang hướng tới việc triển khai dịch vụ chuyển phát nhanh bằng công nghệ tên lửa có thể tái sử dụng.
Theo Space Epoch, dự án này đang ở giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Họ nhấn mạnh, sự hợp tác không chỉ mang lại cơ hội phát triển mới cho ngành vận chuyển truyền thống mà còn giúp đẩy nhanh sự phát triển của ngành hàng không thương mại Trung Quốc.
Nếu dự án tiến triển thuận lợi, Space Epoch cho biết, mục tiêu "giao hàng 1 giờ" trên phạm vi toàn cầu sau khi đặt hàng trên Taobao hoàn toàn có thể đạt được.
Tuy nhiên, công ty cũng lưu ý, với công nghệ và năng lực hiện có, đây sẽ là một nhiệm vụ không dễ dàng trong thời gian ngắn.
Poster quảng bá cho dịch vụ "giao hàng tính bằng giờ" toàn cầu của Space Epoch. Ảnh: Sohu |
Tốc độ và hiệu quả của tên lửa chuyển phát nhanh
Trong thông báo đưa ra ngày 31/3 của Space Epoch, phương tiện chính được lựa chọn cho dự án này là Yuanxingzhe 1 - tên lửa dùng nhiên liệu lỏng cỡ trung có thể tái sử dụng do họ phát triển độc lập.
Đây là một sản phẩm được chế tạo bằng thép không gỉ, kết hợp công nghệ sản xuất công nghiệp với công nghệ tái chế hàng hải tiên tiến, giúp thu hẹp thời gian nghiên cứu và phát triển đồng thời giảm rủi ro sản xuất một cách hiệu quả.
Năm ngoái, công ty đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm cất cánh và thu hồi ngoài khơi, ghi nhận thành công lớn trong công nghệ thu hồi tên lửa cỡ vừa và lớn bằng thép không gỉ sử dụng nhiên liệu lỏng tại Trung Quốc.
Họ đang tiếp tục thực hiện các cuộc thử nghiệm thu hồi và phóng tên lửa vận chuyển hàng hóa trong tương lai gần. Việc này sẽ cho thấy tính khả thi về mặt kỹ thuật của việc "chuyển phát nhanh toàn cầu" bằng tên lửa Trung Quốc.
Hiện tại, Yuanxingzhe 1 đang được đưa vào sản xuất và trang bị cabin chở hàng ở phần phía trước của tên lửa, container này có thể tích 120m3 và tải trọng lên tới 10 tấn.
Thân tên lửa có đường kính 4,2m, không những vận chuyển một lượng lớn các kiện hàng cỡ vừa và nhỏ mà còn có thể vận chuyển những mặt hàng lớn như ô tô du lịch và xe tải nhỏ.
Thương mại hóa ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc
Ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc được đánh giá có tiềm năng thị trường rộng lớn. Nhưng đối với các công ty tên lửa tư nhân, điểm khó khăn nhất nằm ở đối tượng khách hàng hiện tại, chủ yếu là khách hàng Chính phủ và doanh nghiệp.
Theo tờ "Dương Tử buổi tối", tổng kim ngạch vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc trong năm 2023 là 350 nghìn tỷ NDT (hơn 48 nghìn tỷ USD). Khối lượng hàng hóa chuyển phát nhanh hàng năm của nước này đạt 132 tỷ bưu kiện, đứng đầu thế giới trong 10 năm liên tiếp.
Một tên lửa có thể chở tới 10 tấn hàng hóa trong một container 120m3 đang được phát triển. Ảnh: Sohu |
Các chuyên gia nhận định, việc cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh thương mại điện tử trên phạm vi toàn cầu bằng tên lửa trong tương lai sẽ mở ra một tương lai mới cho ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc ở cấp độ thương mại.
Ngoài ra, là nền tảng thương mại điện tử số 1 Trung Quốc, nhu cầu logistics khổng lồ của Taobao cũng sẽ tạo ra cơ hội to lớn cho việc thương mại hóa hàng không vũ trụ tư nhân.
Các công ty công nghệ hàng không vũ trụ tư nhân có thể thu hồi vốn tốt hơn, đồng thời đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ hơn nữa, hướng tới một thị trường ở quy mô rộng hơn.
Do đó, việc Taobao thử nghiệm dịch vụ chuyển phát nhanh thương mại điện tử bằng tên lửa không chỉ hỗ trợ việc khai phá con đường thương mại hóa ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc, mà còn góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả của hoạt động chuyển phát nhanh.
Cạnh tranh với doanh nghiệp Mỹ
Trong những năm gần đây, hoạt động khám phá không gian của con người đã đạt được những bước tiến mới, trong đó có tên lửa tái sử dụng hoàn toàn Starship do công ty SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk chế tạo.
Đây có thể coi là đột phá lớn trong công nghệ tái sử dụng tên lửa, với tính năng vận chuyển của tên lửa mở rộng từ "chuyển phát nhanh liên hành tinh" sang "chuyển phát nhanh toàn cầu".
Tên lửa Starship của công ty SpaceX. Ảnh: The Independent |
Mặc dù chức năng chính là thực hiện các sứ mệnh Sao Hỏa nhưng tài liệu hướng dẫn sử dụng của Starship cho thấy nó còn có thể mang khối lượng hàng hóa đến 100 tấn lên quỹ đạo thấp của Trái Đất.
Theo trang tin công nghệ Wccftech (Canada), vào năm 2021, Không lực Mỹ (USAF) đề nghị chi 48 triệu USD để đánh giá khả năng sử dụng tên lửa giao hàng với trọng tải đến 100 tấn đến mọi nơi trên Trái Đất trong chưa đầy 1 giờ. Những đề xuất quốc phòng khác cũng được đệ trình lên Quốc hội Mỹ.
Trong một cuộc họp báo vào thời điểm đó, USAF nhắc đến Starship như là phương tiện thương mại duy nhất được quảng cáo có thể vận chuyển hàng hóa trên Trái Đất.
>> Trung Quốc đạt bước đột phá với tham vọng năng lượng hydro