Tập đoàn đa ngành của Hàn Quốc sắp xây nhà máy bán dẫn 100 triệu USD tại Việt Nam
Dự án này đánh dấu một bước quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Vĩnh Phúc.
Mới đây, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án nhà máy bán dẫn trị giá 100 triệu USD giữa Công ty Cổ phần Signetics (Hàn Quốc) và Tập đoàn CNCTech đã diễn ra tại Khu công nghiệp Bá Thiện – Phân khu I, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cùng nhiều đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo thỏa thuận, Signetics, một công ty thành viên của tập đoàn đa ngành hàng đầu Hàn Quốc Young Poong, sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích hơn 5ha. Dự kiến sẽ đưa nhà máy hoạt động vào cuối năm 2025.
Dự án này đánh dấu một bước quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Vĩnh Phúc. Được biết, Signetics là nhà cung cấp các dịch vụ lắp ráp và thử nghiệm bán dẫn, nổi bật với các sản phẩm như Flip-Chip, MCM, BGA và FBGA, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất chip nhớ, GPU và TV.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 2 doanh nghiệp |
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trần Duy Đông, nhấn mạnh rằng Hàn Quốc là đối tác đầu tư chiến lược hàng đầu của tỉnh với số vốn FDI lớn nhất. Ông cũng cam kết tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Với lợi thế về địa lý và chính sách ưu đãi, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thu hút các dự án đầu tư lớn từ nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Signetics được thành lập vào năm 1949, hiện là nhà cung cấp chính của các tập đoàn lớn như Samsung và SK. Tập đoàn CNCTech, đối tác của Signetics trong dự án này, là một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ và phát triển hạ tầng công nghiệp.
>> Rót tỷ USD vào Masan Group, ông lớn Hàn Quốc gia hạn quyền chọn bán
Kim chi 'Made in China' giá rẻ tràn ngập Hàn Quốc
Chaebol Hàn Quốc muốn đặt tương lai 100 năm tới ở Việt Nam gặp rắc rối tại dự án 1,34 tỷ USD