Kim chi 'Made in China' giá rẻ tràn ngập Hàn Quốc
Kim chi nhập khẩu đến từ Trung Quốc có giá chỉ bằng 1/6 so với sản phẩm nội địa.
Từ cuộc chiến kim chi...
Từ ngành thép, dệt may đến mỹ phẩm, các nhà xuất khẩu Hàn Quốc đang phải “vật lộn” trước làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.
Thậm chí, kim chi - biểu tượng của Hàn Quốc - giờ đây lại đang ở trong tình trạng nhập nhiều hơn xuất trong nửa đầu năm 2024. Phần lớn kim chi nhập khẩu đến từ Trung Quốc, với giá chỉ bằng 1/6 so với sản phẩm nội địa.
Điều đáng nói, kim chi luôn là chủ đề gây nhiều tranh cãi khi cộng đồng mạng 2 nước Trung Quốc - Hàn Quốc đều nhận đây là món ăn của nước mình.
Đến làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc
Financial Times (FT) viết, Hàn Quốc từng được cho là sẽ hưởng nhiều lợi ích khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây gia tăng.
Mỹ và EU tăng cường áp biện pháp hạn chế với Trung Quốc, điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người mua toàn cầu chuyển hướng sang ngành công nghiệp bán dẫn và xe điện của Hàn Quốc. Giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng mỗi tháng kể từ tháng 10 năm ngoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cho biết phần lớn những lợi ích đó là do nhu cầu tăng vọt đối với chip nhớ - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc - và đang che giấu những khó khăn ở các lĩnh vực khác, vốn đang mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc có chi phí thấp hơn.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, 70% công ty cho biết họ đã hoặc đang dự đoán thiệt hại do cạnh tranh từ hàng xuất khẩu Trung Quốc.
Phần lớn sự cạnh tranh đó diễn ra ở các thị trường như Đông Nam Á, Trung Đông, Trung Á và Mỹ Latinh, nơi các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã chuyển hướng tìm kiếm tăng trưởng để đối phó với tình trạng dư thừa công suất và nhu cầu trì trệ tại thị trường nội địa Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, giá xuất khẩu trung bình của Trung Quốc trên toàn cầu đã giảm dần qua từng tháng từ tháng 1/2023 đến tháng 4/2024, giảm tổng 10,2%, trong khi giá xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ giảm 0,1% trong cùng kỳ.
"Việc Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu khỏi Mỹ và châu Âu giống như một con dao hai lưỡi đối với chúng tôi", Do Won-bin, một nhà nghiên cứu tại KITA cho biết.
"Chúng tôi có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Mỹ hơn do sự vắng mặt của Trung Quốc, nhưng xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước như Ả-rập Xê-út, Brazil và Kazakhstan đã tăng mạnh trong năm nay, đặt ra thách thức cho các công ty Hàn Quốc ở những thị trường đó”, ông nói thêm.
Các nhà sản xuất thép Hàn Quốc cũng phải hứng chịu đòn giáng nặng nề, khi sự cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc trùng hợp với sự suy giảm trong lĩnh vực xây dựng trong nước.
Trong quý II/2024, Hyundai Steel báo cáo lợi nhuận hoạt động giảm 78,9% so với cùng kỳ năm, trong khi đơn vị thép của Posco ghi nhận mức giảm 50,3% và Dongkuk Steel giảm 23%. Hiệp hội Sắt thép Hàn Quốc cũng cho biết thép Trung Quốc có giá trung bình 863 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với 2.570 USD/tấn của thép Hàn Quốc.
Các công ty hóa dầu hàng đầu của Hàn Quốc cũng đang gặp khó khăn, một số đã ngừng sản xuất, rút khỏi liên doanh và trì hoãn kế hoạch mở rộng do thua lỗ ngày càng tăng trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Ông Do nói rằng các công ty Hàn Quốc cần phản ứng bằng cách "phân biệt sản phẩm của họ thông qua chất lượng".
Tuy nhiên, cuộc khảo sát của KCCI cho thấy các nhà sản xuất Hàn Quốc cũng đang mất niềm tin vào khả năng duy trì ưu thế của họ. Chỉ có 26,2% công ty tin rằng họ đã duy trì được lợi thế công nghệ và chất lượng ổn định so với các đối thủ Trung Quốc trong 5 năm qua. Và khoảng 73,3% công ty hiện đang có sự ngang bằng hoặc ưu thế về công nghệ dự đoán sẽ bị vượt mặt trong 5 năm tới.
Trước tình hình này, các công ty Hàn Quốc đang chuyển sang một chiến lược mới: phản công pháp lý. Số vụ kiện chống bán phá giá và vi phạm bằng sáng chế đối với các đối thủ Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng. Theo Bộ Công nghiệp Hàn Quốc, năm nay có thể sẽ chứng kiến số vụ kiện chống bán phá giá cao nhất kể từ năm 2002.
Theo Financial Times
>> Hàn Quốc: Tâm chấn của nạn tội phạm tình dục sử dụng Deepfake nhắm vào phụ nữ, trẻ em
Đức kêu gọi các thành viên EU bỏ phiếu không đánh thuế vào xe điện Trung Quốc
Không phải bất động sản, đây mới là lực cản lớn nhất ngăn kinh tế Trung Quốc phục hồi