Mới đây, Tập đoàn FLC đã gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM 326 trang tài liệu chứa các thông tin cần cải chính và công bố bổ sung theo quyết định xử phạt ngày 24/3/2022.
Trước đó, ngày 24/3/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt Tập đoàn FLC tổng cộng 370 triệu đồng vì các vi phạm liên quan tới công bố thông tin như: Công bố thông tin sai lệch, không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật, hoặc công bố thông tin không đầy đủ nội dung.
Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng yêu cầu FLC phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như công bố bổ sung thông tin và cải chính những thông tin đã công bố sai lệch.
Ngày 6/5/2022, Tập đoàn FLC đã gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM 326 trang tài liệu chứa các thông tin cần cải chính và công bố bổ sung theo quyết định xử phạt ngày 24/3/2022.
Cụ thể, Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tình hình quản trị năm 2020 và 2021 đã điều chỉnh để bổ sung thông tin về giao dịch giữa người nội bộ công ty, người liên quan của người nội bộ với công ty con, công ty do FLC nắm quyền kiểm soát… FLC còn cải chính số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 để điều chỉnh số liệu doanh thu và lợi nhuận gộp.
FLC cũng công bố bổ sung 51 nghị quyết HĐQT về giao dịch giữa FLC với các bên liên quan trong giai đoạn từ 24/3/2020 đến 13/5/2021. Đây là những thông tin thuộc loại phải công bố trong vòng 24 giờ theo quy định tại Thông tư 96/2020 nhưng thực tế đến ngày 6/5/2022 Tập đoàn FLC mới công bố.
Nội dung của các nghị quyết HĐQT chủ yếu là về việc FLC đứng ra bảo đảm, bảo lãnh cho các nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp liên quan như CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – Mã: BAV), CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS), CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất Động sản FLCHomes (Mã: FHH), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD), ….
Các nhà băng cho vay bao gồm Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB), VietinBank (Mã: CTG), BIDV (Mã: BID), Vietcombank (Mã: VCB), Ngân hàng TMCP Quân đội (Mã: MBB), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), …
Các tài sản bảo đảm bao gồm cổ phiếu ROS tại FLC Faros, cổ phiếu BAV tại Bamboo Airways, bất động sản tại các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai, Quảng Ninh …
Những nghị quyết HĐQT này đều do ông Trịnh Văn Quyết ký trong thời gian ông là Chủ tịch HĐQT của cả Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways. Từ tháng 5/2017 đến tháng 4/2020, ông Trịnh Văn Quyết còn là Chủ tịch HĐQT của FLC Faros.
Ngày 29/3/2022, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".
Khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC với 2 cáo buộc
Nguồn: Vietnambiz
Thực tế, Tập đoàn FLC đã dùng hàng trăm trăm bất động sản cùng hàng trăm triệu cổ phần tại Bamboo Airways để bảo đảm cho các khoản vay của FLC, Bamboo Airways, và các doanh nghiệp khác.
Bamboo Airways được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng do Tập đoàn FLC góp 100%. Sau nhiều vòng tăng vốn, hiện nay Bamboo Airways có vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng, tức cao gấp hơn 26 lần ngày đầu thành lập 5 năm trước. Tại ngày 31/3 năm nay, Tập đoàn FLC đang sở hữu 21,7% vốn của Bamboo Airways, tương đương 401,5 triệu cổ phiếu BAV.
Tập đoàn FLC thông tin tình hình kinh doanh 10 tháng năm 2024
Lãnh đạo FLC: 'Mọi cổ đông đều có thể khiếu nại khi quyền của họ bị vi phạm'