Tập đoàn giáo dục có hơn 200.000 học viên khẩn thiết kêu cứu cơ quan chức năng xử lý tranh chấp thương vụ 1.000 tỷ đồng
Tập đoàn này cũng công bố chính thức vụ việc liên quan đến các hành vi có dấu hiệu sai phạm của bà Phạm Bích Ngà.
Sáng 16/7/2025, Tập đoàn Giáo dục Equest thông báo hai đơn vị thành viên là CTCP Đầu tư Giáo dục Việt Mỹ K-12 (Việt Mỹ K-12) và CTCP Giáo dục Ngôi Sao Việt Nam (Ngôi Sao Việt Nam) đã nộp đơn tố giác tội phạm tới Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) – Công an TP. Hà Nội.
Bên bị tố giác là bà Phạm Bích Ngà và các cộng sự của bà Ngà (gọi chung là “bà Ngà” và “nhóm bà Ngà”).
Theo thông tin từ Equest, tháng 12/2021, bà Ngà và nhóm bà Ngà đã ký các hợp đồng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng để chuyển nhượng cho Việt Mỹ K-12 80% quyền sở hữu và điều hành Hệ thống Giáo dục Ngôi Sao Hà Nội gồm: Trường Liên cấp Trung học Cơ sở, Tiểu học Tư thục Ngôi Sao Hà Nội (sở hữu bởi CTCP Giáo dục Ngôi Sao Việt Nam; gọi tắt là “Trường Ngôi Sao Hà Nội”) và Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học phổ thông Ngôi Sao Hà Nội – Hoàng Mai (được cam kết thành lập và sở hữu bởi CTCP Giáo dục Ngôi Sao Hoàng Mai; gọi là “Trường Ngôi Sao Hoàng Mai”).
CTCP Giáo dục Ngôi Sao Việt Nam và CTCP Giáo dục Ngôi Sao Hoàng Mai là hai đơn vị mà Việt Mỹ K-12 sở hữu 80%. Theo Equest, đây là giao dịch hợp pháp, duy nhất, không thể tách rời, đã được các bên đồng thuận và pháp luật Việt Nam công nhận.
Việt Mỹ K-12 cho biết đã hoàn thành tất cả nghĩa vụ thanh toán theo các điều khoản của hợp đồng đối với bà Ngà và nhóm bà Ngà. Đồng thời, Việt Mỹ K-12 cũng đã bổ nhiệm bà Ngà làm Tổng Giám đốc Ngôi Sao Việt Nam phụ trách điều hành Trường Ngôi Sao Hà Nội.
![]() |
Ảnh minh hoạ: Theo Equest, những sai phạm của bà Ngà và nhóm bà Ngà đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính và làm tổn hại hình ảnh, uy tín của EQuest. Nguồn: EQuest |
>> Hòa Bình (HBC) của ông Lê Viết Hải thắng kiện, sắp nhận về 94 tỷ đồng sau nhiều năm tranh chấp
Tuy nhiên theo Equest, trong suốt thời gian qua, bà Ngà đã thực hiện nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm thỏa thuận và pháp luật, cụ thể như sau:
- Hành vi có dấu hiệu tham ô tài sản: Trong thời gian hơn 1 năm làm Tổng Giám đốc Ngôi Sao Việt Nam, bà Ngà đã lợi dụng lòng tin của Việt Mỹ K-12 và các cổ đông, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện các giao dịch rút tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng của Trường Ngôi Sao Hà Nội.
Sau khi phát hiện các hành vi sai phạm, Việt Mỹ K-12 đã nhiều lần gửi thông báo dưới nhiều hình thức (văn bản, thư điện tử) yêu cầu bà Ngà nhận thức đúng hành vi, khắc phục hậu quả, hoàn trả số tiền nêu trên. Tuy nhiên, bà Ngà đã viện dẫn nhiều lý do để trì hoãn và không thực hiện việc hoàn trả.
Vì vậy, Hội đồng Quản trị Ngôi Sao Việt Nam đã tổ chức họp và “bãi nhiệm quyền điều hành” của bà Ngà tại Trường Ngôi Sao Hà Nội vào tháng 7/2023. Với tư cách là đại diện nhóm cổ đông nắm giữ 20% cổ phần, bà Ngà vẫn tiếp tục giữ vai trò thành viên Hội đồng Quản trị của Ngôi Sao Việt Nam.
- Hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Vào cuối năm 2023, khi Trường Ngôi Sao Hoàng Mai đã hoàn thành các thủ tục pháp lý (được cấp giấy phép hoạt động), hoàn thiện cơ sở vật chất và chuẩn bị đi vào hoạt động, bà Ngà bất ngờ tuyên bố một cách bất hợp pháp ngừng hợp tác với Việt Mỹ K-12 và không bàn giao quyền sở hữu, quản lý, điều hành trường này cho Công ty Cổ phần Giáo dục Ngôi Sao Hoàng Mai.
Từ thời điểm Trường Ngôi Sao Hoàng Mai chính thức hoạt động đến nay, bà Ngà và nhóm bà Ngà đã từ chối hợp tác và không có bất kỳ động thái nào để bàn giao lại trường cho Công ty Cổ phần Giáo dục Ngôi Sao Hoàng Mai.
Để hợp thức hóa việc sở hữu bất hợp pháp, vào ngày 10/8/2024, bà Ngà và nhóm bà Ngà đã công khai tổ chức lễ ra mắt hệ thống triết lý và bộ nhận diện thương hiệu mới cho Trường Ngôi Sao Hoàng Mai.
Đồng thời, bà Ngà đã có những phát ngôn, tuyên truyền các thông tin sai lệch, không đúng sự thật về quan hệ cổ đông, về lãnh đạo, và nhà đầu tư của Việt Mỹ K-12 với cộng đồng giáo dục và các cơ quan hữu trách.
Theo Equest, những sai phạm của bà Ngà và nhóm bà Ngà không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính và làm tổn hại hình ảnh, uy tín của EQuest, mà còn để lại tác động rất tiêu cực đối với cộng đồng doanh nghiệp, hình ảnh doanh nhân và môi trường đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Ông Trần Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của EQuest, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, quan ngại: “Các cổ đông, nhà đầu tư của chúng tôi đã thực hiện hàng nghìn thương vụ đầu tư trên khắp thế giới. Họ luôn đánh giá mức độ an toàn, tín nhiệm và tính pháp trị là yếu tố tiên quyết khi cân nhắc đầu tư vào một quốc gia. Những vi phạm như của bà Ngà là đặc biệt nghiêm trọng và rất hiếm khi xảy ra trong các thương vụ đầu tư của họ…”.
EQuest khẩn thiết mong mỏi sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan điều tra có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước để sớm làm sáng tỏ sự việc.
Đồng thời, EQuest cũng muốn kêu gọi các bên liên quan, cơ quan quản lý của ngành giáo dục, chính quyền các cấp của TP. Hà Nội, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nhận diện sâu sắc hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của bà Ngà và nhóm bà Ngà để chấn chỉnh kịp thời, đấu tranh ngăn chặn, qua đó giúp vãn hồi công lý.
Theo thông tin công bố, EQuest Education Group (EQuest) là một trong những tập đoàn giáo dục tư nhân lớn tại Việt Nam, sở hữu hệ sinh thái gồm ba lĩnh vực chính: Giáo dục Phổ thông (K-12), Giáo dục Đại học và Cao đẳng (C&U), và Công nghệ Giáo dục (EdTech).
Tính đến năm 2025, EQuest có 25 cơ sở giáo dục, cung cấp dịch vụ giáo dục cho gần 20.000 học sinh phổ thông, 10.000 sinh viên đại học, cao đẳng và hơn 180.000 học sinh học STEM và sử dụng nền tảng công nghệ giáo dục.
>> Quảng Nam: Vụ tranh chấp BĐS có 'biến' mới, gần 1.000 người sắp thoát cảnh kẹt sổ đỏ