Tập đoàn Sơn Hải nổi danh với tuyên bố “bảo hành 5-10 năm”: Kinh doanh thế nào, năng lực tài chính ra sao?
Việc Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành 5-10 năm tại các gói thầu thi công khiến giới quan sát quan tâm nhiều hơn đến tình hình kinh doanh và năng lực tài chính của doanh nghiệp này.
Thời gian gần đây, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã phát văn bản “kêu cứu” vì nghi bị “chơi xấu". Cụ thể, Sơn Hải cho rằng, đã có dấu hiệu đổ hóa chất, phá hoại kết cấu mặt đường trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đoạn do Tập đoàn này thi công và bảo hành 10 năm.
Đáng nói, đây không phải lần đầu Tập đoàn Sơn Hải báo cáo về những sự việc như thế này. Trước đó, năm 2015, trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình do nhà thầu này thi công cũng từng xảy ra việc mặt đường hư hỏng vì bị đổ hóa chất.
Được biết, hiện nay Tập đoàn Sơn Hải là nhà thầu công trình hạ tầng duy nhất tại Việt Nam có cam kết bảo hành chất lượng 5-10 năm tại các công trình thi công.
Năm 2014, Tập đoàn Sơn Hải bắt đầu gây dựng được tiếng tăm khi tham gia dự án mở rộng quốc lộ 1A. Thời điểm đó, trong khi các nhà thầu bảo hành 2 năm, Tập đoàn này tuyên bố bảo hành tới 5 năm đối với 2 gói thầu số 10 và gói thầu số 14 dài 15km đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình. Thậm chí, Sơn Hải còn cắm biển “bảo hành 5 năm” dọc các tuyến đường “để người dân tham gia giao thông cùng giám sát”.
Không chỉ tuyên bố bảo hành lâu hơn so với quy định, năm 2015 Tập đoàn Sơn Hải còn cam kết nếu hằn lún vượt mức cho phép thì sẽ khắc phục bằng phương pháp bóc toàn bộ lên làm lại, không bù lún theo cách mất mỹ quan hay bù lún đơn lẻ như cách mà các nhà thầu khác từng thực hiện. Từ cam kết này, Bộ Giao thông Vận tải đã nâng mức bảo hành 2 năm lên 4 năm đối với tuyến quốc lộ 1A.
Trên thực tế, tại hai gói thầu số 10 và 14 do Sơn Hải thi công, sau một thời gian dài đưa vào sử dụng, đoạn đường vẫn không hề xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe, trong khi cùng khoảng thời gian đó, nhiều gói thầu khác đã ghi nhận hiện tượng này.
Cuối năm 2022, Tập đoàn Sơn Hải lại một lần nữa “chơi lớn” khi cam kết bảo hành 10 năm và Nhà nước sẽ không cần chi bất cứ một khoản tiền gì trong thời gian bảo hành. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận rủi ro gia tăng chi phí, khiến cho dư luận và giới quan sát đặt ra câu hỏi, “bệ đỡ” tài chính của Sơn Hải vững vàng tới cỡ nào.
Luôn nắm trong tay các dự án “khủng”
Tập đoàn Sơn Hải được thành lập vào ngày 13/04/1998, trụ sở chính tại số 117 đường Hữu Nghị, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà ở các loại, công trình đường sắt, đường bộ, kinh doanh bất động sản, san lấp mặt bằng.
Sau nhiều lần thay đổi vốn điều lệ, danh sách cổ đông cũng như vai trò đại diện pháp luật, cổ đông của các thành viên (ông Nguyễn Viết Hải, ông Lê Thanh Hướng, bà Nguyễn Thị Hồng và bà Nguyễn Thị Hoa), tính đến tháng 5/2023, vốn điều lệ của Sơn Hải ghi nhận ở mức 2.366 tỷ. Trong đó, ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng thành viên nắm 99,912%, còn ông Lê Thanh Hướng – Giám đốc nắm 0,088% vốn điều lệ.
Về tài sản, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Sơn Hải dừng lại ở mức 4.161 tỷ đồng. Nếu xét về vị thế cũng như tổng giá trị các dự án mà Tập đoàn này nắm trong tay, quy mô vốn và tài sản như trên lại chưa được tương xứng.
Tính đến tháng 7/2023, Tập đoàn Sơn Hải đã tham gia 19 gói thầu và trúng thầu 16 gói, trượt 2 gói, 0 gói chưa có kết quả và 1 gói thầu đã huỷ.
Trước năm 2023, Sơn Hải chỉ trúng 2 gói thầu nghìn tỷ là Gói thầu số 10-XL thi công xây dựng cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 trị giá 1.628 tỷ đồng và gói thầu số XL01 thi công xây dựng cao tốc Bắc Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu giá trị gần 1.159 tỷ đồng. Nhiều gói thầu còn lại có giá trị chỉ vài chục, vài trăm tỷ đồng.
Sang năm 2023, Tập đoàn Sơn Hải liên tục đứng trong các liên danh trúng các dự án trọng điểm như: cao tốc Bắc Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (giá trúng thầu 5.481 tỷ đồng); cao tốc Bắc Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang (giá trúng thầu 3.314 tỷ đồng); cao tốc Bắc Nam đoạn Vũng Áng - Bùng (giá trúng thầu 4.766 tỷ đồng); cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (giá trúng thầu gần 2.100 tỷ đồng)… Tổng giá trị các gói thầu lên tới 15.661 tỷ đồng, chiếm 77,3% giá trị tất cả các gói thầu trong lịch sử đấu thầu của Sơn Hải.
Bức tranh tài chính kinh doanh của Sơn Hải
Nhìn vào bức tranh tài chính của Tập đoàn Sơn Hải, có thể thấy 7 năm gần đây, từ mức chỉ vài trăm tỷ đồng, doanh nghiệp này đã chinh phục mức doanh thu nghìn tỷ. Tuy nhiên, tỷ suất sinh lời lại không quá cao.
Năm 2016, doanh thu thuần của Sơn Hải đạt hơn 722 tỷ, còn lợi nhuận suýt soát 14 tỷ đồng. Theo đó, biên lợi nhuận ghi nhận ở mức 1,9%.
Bước sang năm 2017, mặc dù doanh thu thuần chỉ tăng 5%, lên mức 759 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng gấp 2,78 lần, lên mức 39 tỷ đồng. Đây cũng là năm mà biên lợi nhuận của doanh nghiệp này đạt mức cao nhất là 5,1%.
Năm 2018, năm doanh nghiệp tăng vốn đột biến (từ mức 480 tỷ đồng lên mức 2.319 tỷ đồng), doanh thu thuần cũng tăng tới 75%, lên mức 1.334 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của Sơn Hải lại “đi lùi”, ghi nhận ở mức 19 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm trước. Theo đó, biên lợi nhuận cũng giảm xuống còn 1,4%.
Năm 2019, tỷ suất sinh lời cũng được cải thiện đôi chút khi doanh thu thuần vẫn duy trì đà tăng, đạt 1.442 tỷ đồng, còn lợi nhuận cũng dần “lấy lại phong độ”, tăng 47%, lên mức 28 tỷ đồng. Theo đó, biên lợi nhuận năm 2019 ghi nhận ở mức 1,9%.
Tình hình kinh doanh của Tập đoàn Sơn Hải thời gian gần đây
Năm 2020, mặc dù doanh thu thuần sụt giảm mạnh, xuống còn 896 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại giảm không đáng kể so với năm trước, vẫn đạt gần 28 tỷ đồng. Nhờ đó, biên lợi nhuận tăng lên mức 3%.
Tuy nhiên, tỷ suất sinh lời không được duy trì sang năm tiếp theo. Thậm chí, năm 2021 kết quả kinh doanh của Sơn Hải không mấy tích cực. Mặc dù doanh thu cải thiện, tăng 52,7% so với năm 2020, lên mức 1.368 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn “bốc hơi” hơn một nửa, đạt chưa đầy 12 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến lợi nhuận của doanh nghiệp lao dốc là do giá nguyên vật liệu tăng mạnh, đẩy giá vốn hàng bán lên cao, ở mức 1.282 tỷ đồng, “ngốn” gần hết doanh thu.
Nhờ tiết giảm được chi phí tài chính, Sơn Hải mới thoát lỗ. Dù vậy, Tập đoàn này lại phải đối diện với tình trạng dòng tiền âm nặng. Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 274 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 2,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2021, vay và nợ thuê tài chính của Sơn Hải tăng tới 51,1% lên mức 833 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm tới 85,8% cơ cấu, ghi nhận ở mức 715 tỷ đồng, càng làm gia tăng áp lực tài chính của doanh nghiệp.
Bước sang năm 2022, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Sơn Hải bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Doanh thu thuần tăng đột biến 215%, lên mức 4.316 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế cũng lập đỉnh, đạt gần 40 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2021.
Tuy nhiên, nếu bóc tách doanh thu thì kết quả này lại chưa thực sự đáng mừng, bởi lẽ, phần lớn doanh thu năm 2022 của Sơn Hải lại đến từ chính… doanh nghiệp này. Theo thuyết minh, doanh thu năm 2022 của Sơn Hải bao gồm cả doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tập đoàn mẹ với hai công ty con. Cụ thể, doanh thu của Tập đoàn với Công ty TNHH Đầu tư Cao tốc Cam Lâm Nha Trang là 3.081 tỷ đồng và Công ty TNHH Sơn Hải Riverside là 92,9 tỷ đồng.
Chưa kể, giá vốn hàng bán cũng tăng gấp 3, từ 1.282 tỷ đồng lên 4.144 tỷ đồng, vẫn neo ở mức quá cao so với doanh thu.
Với kết quả doanh thu và lợi nhuận nêu trên, tỷ suất sinh lời trên thực tế chỉ đạt 0,9%, kém nhất trong 7 năm trở lại đây.
Mặt khác, hiệu suất sử dụng vốn của Sơn Hải vẫn ở mức rất thấp. Năm 2022, với vốn chủ sở hữu lên tới 3.297 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ đạt 1,21%.
"Bệ đỡ" nào giúp Lizen trúng gói thầu "khủng" 1.253 tỷ dự án Vành đai 4 Thủ đô?
ĐBQH: Việc Tập đoàn Sơn Hải gắn thêm nội dung lên biển báo đường cao tốc có phải quảng cáo?
Câu chuyện biển báo 'vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm' làm nóng phiên thảo luận tại Quốc hội