Temu chưa đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý tại Việt Nam dù người dùng đã tải app và mua hàng
Áp dụng mô hình bán hàng "từ nhà máy đến tay người dùng", Temu đang cung cấp những sản phẩm giá cực kỳ hấp dẫn.
Temu, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) giá rẻ của Trung Quốc thuộc sở hữu PDD Holdings, đã thu hút sự chú ý khi ra mắt ứng dụng mua sắm tại Việt Nam từ cuối tháng 9. Tuy nhiên, đến nay, Temu vẫn chưa hoàn tất thủ tục đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Theo VnExpress, thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết Temu vẫn chưa đăng ký với cơ quan quản lý Việt Nam dù đã hoạt động và cung cấp dịch vụ trên nền tảng trực tuyến. Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh rằng theo Nghị định 85 ban hành năm 2021, các sàn TMĐT hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký với cơ quan chức năng.
Tại buổi họp báo ngày 23/10, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết đã yêu cầu cơ quan chức năng rà soát tác động của Temu đối với thị trường trong nước. Ông cũng "giật mình khi thấy giá của họ rẻ" và cho rằng "phải điều tra, nghiên cứu cụ thể để có giải pháp kiểm soát phù hợp". Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ quản lý chặt chẽ về gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhái.
Temu bùng nổ với tốc độ 'đáng sợ' trên toàn thế giới
Temu được sáng lập bởi tỷ phú Colin Huang, một trong những người có giàu nhất Trung Quốc. Bắt đầu ra mắt tại Mỹ năm 2022, Temu nhanh chóng mở rộng và hiện tại đã có mặt tại 82 quốc gia vùng lãnh thổ. Nền tảng này áp dụng mô hình bán hàng "từ nhà máy đến tay người dùng", loại bỏ khâu trung gian để giữ giá rẻ nhất có thể. Nếu như tại Trung Quốc, mọi người đều mua sản phẩm trên Pinduoduo thì Temu chính là phiên bản tầm cỡ thế giới của Pinduoduo mà PDD Holdings tạo ra.
Với khẩu hiệu quen thuộc "mua sắm như tỷ phú" (Shop Like a Billionaire) của Temu, người dùng có thể tìm thấy mọi loại sản phẩm, từ quần áo, đồ điện tử đến nội thất, với mức giá thấp hơn đáng kể so với các sàn TMĐT khác. Người mua có vô vàn sự lựa chọn với thời trang từ 100 nghìn, trang sức với giá 30 nghìn và bàn phím không dây với giá 200 nghìn,... Thậm chí, đã có thông tin cho rằng bất cứ thứ gì bạn nghĩ đến đều có thể mua với giá dưới 1 triệu đồng trên Temu.
Ông Colin Huang người sáng lập Temu |
Cộng thêm chính sách miễn phí vận chuyển và hoàn trả trong 90 ngày kèm theo hàng loạt khuyến mãi hấp dẫn đã khiến Temu tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ.
Cũng giống như các nền tảng thương mại điện tử khác, trong hai đến ba năm tới, chiến lược của Temu là tăng cường nhận diện thương hiệu và thị phần mà không quan tâm đến lợi nhuận.
"Đó chính xác là những gì đã xảy ra với Pinduoduo khi ra mắt tại Trung Quốc. Họ đưa ra những ưu đãi cực kỳ rẻ chỉ để giành thị phần", ông Shaun Rein - người sáng lập China Market Research Group nhận định.
Bên cạnh đó, ông Ines Durand - chuyên gia thương mại điện tử tại SimilarWeb cho biết "Temu sử dụng một hệ thống tuyệt vời, dựa vào việc thu thập dữ liệu lớn ở quy mô lớn". "Họ thu thập dữ liệu về xu hướng tiêu dùng, các sản phẩm được tìm kiếm và nhấp nhiều nhất, sau đó cung cấp cho từng nhà sản xuất".
Theo báo cáo từ công ty phân tích web Similarweb, trong quý III/2024, Temu là nền tảng thương mại điện tử phổ biến thứ hai trên thế giới, với lượng truy cập trung bình hàng tháng đạt 662,5 triệu lượt, chỉ đứng sau Amazon với 2,7 tỷ lượt truy cập. Có thể thấy, không chỉ tác động tới các tên tuổi như Amazon hay Ebay, tân binh này đang là mối đe dọa lớn đối với bất kỳ nền tảng thương mại điện tử nào trên thị trường.
Tuy nhiên, mức giá quá thấp của Temu cũng khiến nền tảng này gặp không ít trở ngại. Nhiều ý kiến cho rằng Temu ép các nhà sản xuất giảm giá sản phẩm bằng cách trả mức lương thấp cho công nhân. Dù vậy, Temu đã phủ nhận cáo buộc này.
Với chiến lược giá siêu rẻ, Temu đã vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia. Mới đây, Indonesia đã cấm nền tảng này để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ trong nước khỏi nguy cơ bị "phá hủy" do hàng hóa giá rẻ tràn vào. Chính quyền Indonesia cho rằng mô hình kinh doanh của Temu làm suy yếu các doanh nghiệp địa phương bằng cách loại bỏ vai trò của các bên trung gian trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm này khó gây ra hiệu ứng domino tại Đông Nam Á. Mỗi quốc gia có cơ cấu kinh tế và chính sách riêng, và Temu vẫn có thể hoạt động tại các thị trường khác trong khu vực.
Temu 'chơi lớn', trả hoa hồng tiếp thị liên kết tới 30%
YouTube và Shopee bắt tay, liên minh hùng hậu bậc nhất ngành thương mại điện tử đã hình thành?