Vĩ mô

Tên xã phường mới sau sáp nhập, ‘không ai chịu ai’ thì cùng phải sửa giấy tờ

Nguyễn Nguyên 14/04/2024 - 06:36

Khi sáp nhập 2-3 xã, phường làm 1, nếu giữ lại tên một đơn vị hành chính cũ sẽ giảm được số người dân phải thay đổi thông tin trên các giấy tờ; còn khi lấy ý kiến “không ai chịu ai”, phải đặt tên mới, tất cả phải sửa giấy tờ.

Việc triển khai sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, huyện đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, nhất là giai đoạn lấy ý kiến về dự kiến tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập.

Việc người dân ở xã, phường có phương án sáp nhập quan tâm là điều dễ hiểu, bởi ít nhiều điều này sẽ có ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là việc thay đổi thông tin trên giấy tờ.

Theo kế hoạch, các địa phương trong cả nước đang khẩn trương triển khai việc xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính. Thực hiện kế hoạch này, nhiều xã phường không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ buộc phải điều chỉnh địa giới hoặc sáp nhập để hình thành đơn vị hành chính mới giai đoạn 2023 - 2025.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong năm 2024, cả nước thực hiện sắp xếp, sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.243 đơn vị hành chính cấp xã. Dự kiến sau sắp xếp sẽ giảm 14 huyện, 619 xã.

Thực tế triển khai ở một số nơi tại Hà Nội cho thấy, từ bước lấy ý kiến nhân dân và trình phương án sáp nhập, tên đơn vị hành chính mới, đang có được sự đồng thuận, thống nhất cao.

w nghia do 3 1 292.jpg
Trong giai đoạn 2023-2030, Hà Nội có 176 xã, phường thuộc diện sắp xếp lại. Ảnh: Hoàng Hà

Về phương pháp, một số quận huyện ở Hà Nội đang vận dụng theo phương án giảm thiểu tác động từ việc sáp nhập. Ví dụ như, tại quận Ba Đình, khi sáp nhập phường Nguyễn Trung Trực và phường Trúc Bạch, hình thành đơn vị hành chính mới nhưng dùng tên phường Trúc Bạch đang sử dụng.

Tương tự, quận Đống Đa sáp nhập phường Khâm Thiên và Trung Phụng thành phường Khâm Thiên; nhập một phần phường Ngã Tư Sở vào Khương Thượng, lấy tên phường Khương Thượng.

Nguyên tắc này cũng được triển khai ở quận Hà Đông khi sáp nhập 3 phường Quang Trung, Nguyễn Trãi, Yết Kiêu, thống nhất lấy tên phường Quang Trung. Tại thị xã Sơn Tây, sẽ sáp nhập 3 phường Lê Lợi, Ngô Quyền và Quang Trung, lấy tên phường Ngô Quyền.

Như vậy, dù phương án 2 hay 3 xã, phường sáp nhập làm 1 thì khi chọn giữ lại tên một đơn vị hành chính cũ, ít nhiều sẽ giảm được số người dân phải thay đổi thông tin trên giấy tờ so với phương án đặt tên đơn vị hành chính mới hoàn toàn.

Tuy nhiên, cũng có nơi dự kiến sau sáp nhập phải hình thành tên đơn vị hành chính mới. Cụ thể, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) là địa phương có số xã giảm lớn nhất trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính khi sáp nhập 14 xã thành 5 xã.

Theo đó, khi sáp nhập xã Viên Nội, Viên An, Hoa Sơn, sẽ có tên mới là xã Hoa Viên; nhập các xã Cao Thành, Sơn Công, Đồng Tiến thành xã mới là Cao Sơn Tiến; nhập xã Hòa Xá, Vạn Thái, Hòa Nam thành xã Thái Hòa.

Tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), việc lấy ý kiến thực hiện sắp xếp lại 17 đơn vị hành chính cấp xã thành 8 đơn vị hành chính mới trong giai đoạn 2023 – 2025 cũng đang được triển khai.

Cũng giống như huyện Ứng Hòa (Hà Nội), một số xã sau sáp nhập ở huyện Quỳnh Lưu cũng dự kiến có tên mới. Cụ thể, sáp nhập xã Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy thành xã Phú Nghĩa; sáp nhập các xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá, Quỳnh Ngọc, dự kiến tên mới là Bình Sơn; xã Quỳnh Thuận sáp nhập với Quỳnh Long thành xã Thuận Long; Quỳnh Thọ và Sơn Hải thành xã Hải Thọ; Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ thành Hoa Mỹ; Quỳnh Minh và Quỳnh Lương thành Minh Lương.

Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu chia sẻ, về việc ghép tên 2 xã sáp nhập thành tên xã mới theo phương án hiện tại, huyện cũng đang có những băn khoăn, trăn trở.

Theo ông Dinh, quan điểm và phương án dự kiến đặt tên ban đầu huyện lựa chọn là giữ lại tên của 1 trong 2 xã sáp nhập, mục đích chính là giảm áp lực cho người dân trong việc thay đổi thông tin trên các giấy tờ sau sáp nhập.

Còn tại Vĩnh Phúc, mới đây khi cho ý kiến về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An cũng đã yêu cầu các cơ quan, địa phương tiếp tục nghiên cứu tên gọi sau sáp nhập xã/phường/thị trấn, bảo đảm phù hợp với điều kiện, lịch sử, phong tục, tập quán, sự hài hòa, thống nhất cao trong nhân dân.

Vấn đề là khi triển khai, cần lựa chọn phương án khoa học và tuân thủ nguyên tắc thống nhất, có nghĩa là người dân 2 xã sáp nhập phải thống nhất với nhau về tên gọi của xã mới sau sáp nhập.

Cuối cùng, rất cần sự chia sẻ, đồng thuận của người dân để chọn được phương án ít tác động nhất liên quan đến việc phải thay đổi thông tin trên giấy tờ, cũng tránh tình trạng “không ai chịu ai, hay được lòng xã này mất lòng xã kia”.

Tỉnh sở hữu thành phố 750 tuổi tiến hành sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính

Phương án sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh, sắp xếp 94 xã ở Nghệ An

Băn khoăn việc mất tên địa danh nổi tiếng khi sáp nhập các xã

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/ten-xa-phuong-moi-sau-sap-nhap-khong-ai-chiu-ai-thi-cung-phai-sua-giay-to-2270214.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tên xã phường mới sau sáp nhập, ‘không ai chịu ai’ thì cùng phải sửa giấy tờ
    POWERED BY ONECMS & INTECH