Thái Lan "tha thiết" với BRICS, sức hút khối gia tăng
Người phát ngôn chính phủ Chai Wacharonke ngày 28/5 cho biết hội nghị thượng đỉnh BRICS tiếp theo được tổ chức tại Nga vào tháng 10 sẽ là cơ hội để Thái Lan đẩy nhanh việc gia nhập.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, nỗ lực gia nhập BRICS của Thái Lan có thể là động lực thúc đẩy ngày càng nhiều đồng minh ngoài NATO của Mỹ ủng hộ khối này cũng như phản ánh xu hướng toàn cầu nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết khối 10 thành viên gồm các nền kinh tế mới nổi còn “một chặng đường dài phía trước” trước khi đạt được vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu.
Tại cuộc họp ngày 28/5, nội các Thái Lan đã thông qua dự thảo thư của Chính phủ trong đó nêu ý định của Bangkok trở thành thành viên của BRICS, một dấu hiệu nữa cho thấy nền kinh tế số hai Đông Nam Á đang tiến tới kế hoạch đăng ký làm thành viên của khối này.
Người phát ngôn chính phủ Chai Wacharonke ngày 28/5 cho biết hội nghị thượng đỉnh BRICS tiếp theo được tổ chức tại Nga vào tháng 10 sẽ là cơ hội để Thái Lan đẩy nhanh việc gia nhập.
“Việc Thái Lan gia nhập BRICS sẽ mang lại lợi ích cho ở một số khía cạnh, [ví dụ] nâng cao vai trò của đất nước trên trường quốc tế, tăng cơ hội tham gia hoạch định chính sách kinh tế quốc tế và tạo ra một trật tự thế giới mới,” tuyên bố từ chính phủ Thái Lan cho biết.
Động thái của Bangkok được đưa ra sau khi nhóm này chính thức mở rộng ra ngoài các thành viên cốt lõi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi vào đầu năm nay, bổ sung thêm 5 quốc gia nữa – Iran, Ai Cập, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi.
Tổng thống Argentina Javier Milei đã rút nước này khỏi kế hoạch gia nhập BRICS vào năm ngoái. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng trước cho biết hơn 30 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập nhóm ở nhiều cấp độ khác nhau.
Theo Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, việc Thái Lan muốn trở thành thành viên phản ánh “hiện tượng dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh và dựa vào Trung Quốc để đảm bảo nền kinh tế”.
“Các đồng minh không thuộc NATO của Mỹ tham gia BRICS có thể trở thành xu hướng trong tương lai chứ không chỉ những trường hợp cá biệt”, chuyên gia Wang khẳng định, đồng thời cho biết thêm rằng cả các nước thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ ra quan tâm đến việc gia nhập khối.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tái khẳng định mong muốn gia nhập BRICS của Ankara trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước.
Trong bối cảnh, Nga đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của BRICS trong năm nay, nỗ lực gia nhập khối của Ankara dự kiến sẽ được xem xét tới.
Zhao Zhijiang, nhà phân tích tại tổ chức tư vấn độc lập đa quốc gia Anbound có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, nỗ lực gia nhập BRICS của Thái Lan cho thấy việc mở rộng BRICS “đang tiến triển ổn định”.
“Mối quan hệ Trung Quốc-Thái Lan duy trì tốt đẹp. Hồi tháng 3, Thái Lan thông báo miễn thị thực vĩnh viễn cho Trung Quốc vào tháng 3, việc gia nhập BRICS là một bước quan trọng trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương”, ông nói.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc sang Thái Lan tăng 4,8% trong 4 tháng đầu năm 2024 tính bằng USD, so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên nhập khẩu từ nước này lại giảm 10,7%.
Nhà phân tích Zhao nhận định các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có khả năng nối gót Thái Lan.
Wang Qin, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn, đồng ý rằng Thái Lan có thể đóng vai trò là “hình mẫu” và bày tỏ hy vọng rằng Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN, sẽ gia nhập BRICS.
Vào tháng 1, Jakarta cho biết vẫn đang cân nhắc những lợi ích sẽ nhận được khi trở thành thành viên BRICS.
Trong 15 năm qua, BRICS đã phát triển từ một tổ chức về đầu tư thành một nền tảng chính trị cho hợp tác liên chính phủ với tham vọng mang lại cho khu vực miền Nam toàn cầu nhiều ảnh hưởng hơn trong các vấn đề thế giới.
Sự mở rộng của khối này được so sánh với Mỹ và Nhóm G7, nhưng các nhà lãnh đạo BRICS cho biết khối này không nhằm mục đích trở thành đối trọng với các nền kinh tế giàu có.
BRICS được cho là nền tảng do Bắc Kinh và Moscow dẫn dắt đối lại áp lực địa chính trị từ Washington. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh vào tháng trước, cả hai nước đã đồng ý “tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập của các thành viên mới vào cơ chế hợp tác BRICS hiện có, tăng cường ảnh hưởng của cơ chế BRICS trong các vấn đề quốc tế”.