Sống

Thân thế gia tộc Việt giàu thứ nhì Sài Gòn xưa: Làm giàu từ quan lộ, thuê cả chục người về chỉ để đếm tiền

Quỳnh Như 03/09/2023 15:00

Thay vì làm giàu bằng con đường làm ăn như nhiều phú hào khác thì Tổng đốc Phương lại chọn con đường chính trị.

Dân Sài Gòn xưa lưu truyền câu “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” để nói về bốn người giàu nhất "Hòn ngọc Viễn Đông". Trong đó, "nhì Phương" chính là ông Đỗ Hữu Phương (1841 - 1914) hay còn được biết đến là Tổng đốc Phương.

Ông Đỗ Hữu Phương sinh năm 1841 tại Chợ Đũi (Sài Gòn). Là người Việt gốc Hoa, cha Đỗ Hữu Phương là Bá hộ Khiêm (gốc Hoa) sang Việt Nam từ nhỏ và có một tiệm buôn ở Chợ Lớn. Nhờ gia đình có điều kiện, Đỗ Hữu Phương được đi học nên ngoài tiếng Việt, ông nói tốt tiếng Pháp và giỏi tiếng Hán. Nhưng thay vì làm buôn bán như cha mẹ và cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn thì Đỗ Hữu Phương lại đi theo con đường chính trị.

Làm giàu từ con đường quan lộ

Sau khi Pháp chiếm đồn Kỳ Hòa (1861), Đỗ Hữu Phương chỉ mới 20 tuổi nhưng đã ôm mộng làm quan. Nhờ một người quen là Cai tổng Đỗ Kiến Phước, Đỗ Hữu Phương được dẫn đến giới thiệu với Tham biện hạt Chợ Lớn là Francis Garnier (Garnier chính là viên đại úy Pháp sau này tổ chức tấn công và chiếm thành Hà Nội).

Gia tộc Việt giàu thứ nhì Sài Gòn xưa: Làm giàu từ quan lộ, thuê cả chục người về chỉ để đếm tiền
Chân dung ông Đỗ Hữu Phương.

Thấy Phương biết tiếng Pháp lại có gia thế giàu có, Garnier bổ nhiệm Đỗ Hữu Phương làm chức Hộ trưởng (khi đó khu vực Chợ Lớn được chia địa giới làm 20 hộ). Từ đó Đỗ Hữu Phương trở thành viên chức làm việc cho Pháp.

Theo sử cũ ghi lại thì Đỗ Hữu Phương tham gia nhiều trận cho người Pháp. Một mặt, Phương ra sức giúp người Pháp tiêu diệt các lực lượng khởi nghĩa song mặt khác, ông lại bí mật giúp một số nhân sỹ yêu nước. Điển hình là trường hợp của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (Thủ khoa Huân), chiến đấu bên các lãnh tụ nghĩa quân Trương Định, Âu Dương Lân...

Năm 1864, Thủ khoa Huân bị Pháp bắt và kết án khổ sai, đày đi Cayenne (thuộc địa của Pháp tại Nam Mỹ). Ở tù được 5 năm, Thủ khoa Huân được Pháp ân xá nhờ Đỗ Hữu Phương bảo lãnh. Nhờ đó, suốt 3 năm, Thủ khoa Huân đã bí mật liên lạc với các Hoa kiều trong Thiên Địa hội, mua vũ khí, đạn dược để chuẩn bị khởi nghĩa. Vụ việc vỡ lở, Thủ khoa Huân bị Pháp bắt, hành quyết.

Theo sử cũ ghi lại, tham gia bắt Nguyễn Hữu Huân cũng chính là Đỗ Hữu Phương, người từng bảo lãnh cho ông.

Có lẽ từ những mối quan hệ khá phức tạp như thế, Đỗ Hữu Phương chiếm được cảm tình với nhiều giới từ chính quyền Pháp cho tới các thương gia người Hoa và cả các chí sỹ yêu nước. Từ năm 1872, Đỗ Hữu Phương được chỉ định làm ủy viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn, rồi trở thành phụ tá Xã Tây Chợ Lớn. Phương cũng được Pháp thưởng Tam đẳng bội tinh, triều đình Huế thì phong Đỗ Hữu Phương thành Tổng đốc và được ban thưởng tới 2.223 mẫu ruộng.

Thuê hàng chục người về để đếm tiền

So về ruộng đất thì Đỗ Hữu Phương chưa thể nhiều bằng các phú hào khác tại miền Nam như phú hào Trần Trinh Trạch ở Bạc Liêu, phú hào Lê Công Sủng ở Tiền Giang… nhưng trong thời gian làm quan chức tại Sài Gòn, Đỗ Hữu Phương thường coi là người trung gian để môi giới cho giới thương gia người Hoa quan hệ với chính quyền Pháp. Việc ra tay cứu giúp Thủ Khoa Huân khiến một số lực lượng khởi nghĩa yêu mến Đỗ Hữu Phương (trong đó có rất nhiều tá điền, những người làm công trên ruộng đất của Đỗ Hữu Phương) và có lẽ đây chính là nền tảng cho gia đình Đỗ Hữu Phương làm giàu.

Theo sử cũ ghi lại thì Đỗ Hữu Phương chỉ lo quan hệ với bên ngoài, còn việc làm ăn trong nhà ông giao hết cho vợ. Vợ Đỗ Hữu Phương là con của một quan triều Nguyễn gốc Quảng Nam nên cũng có điều kiện học hành. Sau khi cưới nhau, gia đình Đỗ Hữu Phương ở tại một căn nhà lớn thuộc quận 1. Nhưng vợ Đỗ Hữu Phương không sống theo kiểu đài các như nhiều phu nhân giàu có khác. Bà biết thu vén để đem thêm tiền bạc về cho gia đình.

Gia tộc Việt giàu thứ nhì Sài Gòn xưa: Làm giàu từ quan lộ, thuê cả chục người về chỉ để đếm tiền
Dinh thự của Tổng đốc Phương ở Chợ Lớn. Vị trí ngôi nhà nằm trên đường Châu Văn Liêm ở quận 5, TP HCM ngày nay. Ảnh tư liệu.

Với hệ thống mua bán kinh doanh lên đến hàng nghìn cơ sở, bà lo việc kết nối các tiểu thương, xây dựng hệ thống buôn bán riêng biệt. Ruộng đất cho các tá điền thuê lại và do đích thân bà quản lý về tô thuế. Thóc lúa thu về nhiều, nhờ các mối quan hệ, gia đình Đỗ Hữu Phương đã chi phối được một phần giao dịch thông thương tại các bến cảng Sài Gòn để bán lúa giá cao.

Về độ giàu có của vợ chồng phú hộ Phương, sử cũ kể rằng, gia đình có riêng một đội đếm tiền hơn chục người được sắp xếp bí mật trong căn phòng phía sau nhà. Những người này ăn ngủ tại chỗ chỉ để đếm tiền. Số tiền được họ bó buộc chặt rồi cất vào căn phòng kín kiên cố và khóa nhiều lớp. Chùm chìa khóa của căn phòng chỉ có vợ ông Phương được giữ và nó gần như là vật bất ly thân đối với bà.

Chồng làm quan, xây dựng các mối quan hệ còn vợ đứng đằng sau, nhờ các quan hệ này để làm giàu có lẽ là mô hình khá mới mẻ thời đó. Nhưng mô hình này đã tỏ ra hữu dụng khi nó giúp cho gia đình Đỗ Hữu Phương vươn lên đứng thứ Nhì trong tứ đại phú hào miền Nam ngày đó.

Sau này, có lẽ ăn năn, sám hối, Đỗ Hữu Phương đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện như xây dựng Trường Collège de Jeunes Filles Indigènes (tức Trường nữ Trung học Sài Gòn, sau này đổi tên là trường Áo Tím, trường Gia Long và nay có tên là trường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3). Ngoài ra ông ta cũng bỏ nhiều tiền xây dựng cầu Ông Lớn tại Chợ Lớn, tu bổ rất nhiều chùa chiền, miếu mạo quanh vùng.

Sau đó, Đỗ Hữu Phương nhập quốc tịch Pháp nhưng vẫn sinh sống tại Sài Gòn cho đến khi mất. Đám tang của ông, sách Sài Gòn năm xưa viết: “Đám tang của vị Tổng đốc được tổ chức rất trọng thể. Thi hài của ngài quàn nửa tháng mới chôn. Hàng ngày có hàng trăm khách viếng. Tang gia cho mổ trâu, bò, heo liên miên cúng và đãi khách. Để ghi công của Đỗ Hữu Phương, chính quyền Sài Gòn đã đặt tên đường Tổng đốc Phương (hiện là đường Châu Văn Liêm, quận 5)".

Ông Phương có 8 người con. Trong đó, ông gửi 5 người con trai qua Pháp học và đều thành đạt, 3 cô con gái được gả cho các gia đình danh giá tại Việt Nam.

Sau khi ông Đỗ Hữu Phương mất không lâu, con trai thứ hai của ông, Đỗ Hữu Vị, phục vụ trong quân đội Pháp cũng đã hy sinh vào tháng 7/1916 trên chiến trường ở thung lũng sông Somme trong Thế chiến thứ nhất. Đỗ Hữu Vị cũng là một phi công có tiếng, ông là người đầu tiên bay ở Ma Rốc, Bắc Phi. Hiện nay, ở thành phố Casablanca (Ma Rốc) vẫn còn con đường mang tên Đỗ Hữu Vị.

Giai thoại về Tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa: Thuê hơn 10 người để đếm tiền, giàu hơn cả vua Bảo Đại

Cận cảnh lâu đài nghìn tỷ lớn nhất Việt Nam của đại gia xăng dầu Phú Thọ trên đất vàng rộng hàng nghìn m2

Đại gia bất động sản Trung Quốc Country Garden cảnh báo rủi ro vỡ nợ, thua lỗ kỷ lục

Danh tính đại gia Việt bạo chi gần 6.000 tỷ sưu tầm rượu quý, có cả chai Whisky lớn nhất thế giới, lập kỷ lục Guinness

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/than-the-gia-toc-viet-giau-thu-nhi-sai-gon-xua-lam-giau-tu-quan-lo-thue-ca-chuc-nguoi-ve-chi-de-dem-tien-199045.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thân thế gia tộc Việt giàu thứ nhì Sài Gòn xưa: Làm giàu từ quan lộ, thuê cả chục người về chỉ để đếm tiền
POWERED BY ONECMS & INTECH