Sống

Giai thoại về Tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa: Thuê hơn 10 người để đếm tiền, giàu hơn cả vua Bảo Đại

Quỳnh Như 16/08/2023 07:21

Tứ đại gia này giàu có thể nói không chỉ giàu nhất Sài Gòn mà còn thuộc vào hàng giàu nhất Đông Dương trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

"Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định" là câu nói được truyền tụng suốt hơn 100 năm qua, đại diện cho tên của 4 nhân vật nức tiếng Sài Gòn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Có ý kiến cho rằng, 4 nhân vật này không chỉ giàu nhất Sài Gòn mà thậm chí còn giàu nhất khu vực Đông Dương.

Nhất Sỹ

Nhất Sỹ (sau này được gọi Huyện Sỹ, tên thật Lê Phát Đạt) là người đúng đầu trong tứ đại phú hào giàu nhất Sài Gòn xưa và cũng là ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu - vợ của vua Bảo Đại.

Giai thoại về Tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa: Thuê hơn 10 người để đếm tiền, giàu hơn cả vua Bảo Đại
Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại là cháu ngoại của phú hộ Huyện Sỹ.

Dù xuất thân trong một gia đình không quá giàu có nhưng nhờ năng lực bản thân, Lê Phát Đạt đã nhanh chóng trở thành người giàu có bậc nhất đất Sài Gòn.

Ông được các tu sỹ người Pháp đưa sang Malaysia để học tập. Sau khi ông Sỹ về nước cũng là lúc dân cư bỏ ruộng đất đi tản mát khắp nơi tránh thực dân Pháp nên nhà cửa, đất đai bỏ không. Ông Sỹ chớp cơ hội dùng tiền để dành khi đi du học để mua một số thửa đất có địa thế tốt và thuê người gieo trồng lúa.

Không ngờ năm đó mưa thuận gió hòa, lúa lên xanh tốt nên vụ mùa bội thu, ông Sỹ thu về lượng lớn thóc gạo. Nhận thấy lợi ích từ đầu tư vào ruộng lúa rất lớn, ông Sỹ lập tức đi vay mượn tiền của bạn bè để mua đất khắp khu vực Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ. Liên tiếp mấy vụ mùa bội thu giúp ông Sỹ thu về đầy ắp của cải. Nhờ đó, ông trở nên giàu có.

Trong thời kì giàu có bậc nhất, gia đình Huyện Sỹ nắm trong tay toàn bộ vùng đất trù phú ở Gò Công, Long An, Tiền Giang kéo dài đến tận biên giới Campuchia để thuê người canh tác. Ở miền Tây, ruộng đất của Lê Phát Đạt được ví như "cò bay mỏi cánh không hết".

Một điều đáng ca ngợi của gia đình Huyện Sỹ là dù vô cùng giàu có nhưng họ lại không có lối sống xa hoa, tiêu xài hoang phí. Ông Huyện Sỹ cũng tự nguyện hiến đất và 1/7 tài sản của mình để xây dựng nên nhà thờ Huyện Sỹ (đường Tôn Thất Tùng, Quận 1, TP. HCM).

Mức độ giàu có của ông Huyện Sỹ còn được cho là lớn hơn rất nhiều lần so với vua Bảo Đại. Trong đời làm vua, Bảo Đại dùng tiền của vợ nhiều hơn của hoàng gia. Của hồi môn của hoàng hậu Nam Phương khi lấy vua Bảo Đại lên tới 20.000 lượng vàng.

Giai thoại về Tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa: Thuê hơn 10 người để đếm tiền, giàu hơn cả vua Bảo Đại
Tượng Huyện Sỹ.

Nhì Phương

Nhì Phương là tên gọi của Đỗ Hữu Phương (1841 - 1914), người gốc Hoa, là con trai đại địa chủ Nam Kỳ thời bấy giờ là Bá Hộ Khiêm. Ngậm thìa vàng ngay từ khi sinh ra, ông Hữu Phương nghiễm nhiên có trong tay cả một cơ ngơi và cùng gia đình cai quản cai quản bất động sản của cả một vùng rộng lớn về phía bắc thành phố Sài Gòn.

Nhà ông không những sở hữu đất đai mà còn có cả hàng trăm căn nhà mặt tiền cho thuê. Người ta đồn rằng tiền của ông Phương nhiều đến nỗi mấy đời ăn cũng không hết. Có lợi thế của một gia đình con buôn nhưng Đỗ Hữu Phương không làm giàu bằng con đường kinh doanh. Ông lựa chọn con đường làm quan.

Giai thoại về Tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa: Thuê hơn 10 người để đếm tiền, giàu hơn cả vua Bảo Đại
Hình ông Tổng đốc Phương in trên con tem Đông Dương. Ảnh: Dân trí.

Năm 1859, khi quân Pháp tiến đánh Gia Định, Đỗ Hữu Phương lui về Bà Điểm, Hóc Môn lánh thân và chờ thời. Năm 1861, ông được nhận làm cộng sự của người Pháp với sự giới thiệu của cai tổng Đỗ Kiến Phước. Sài Gòn Chợ Lớn thời đó chia làm 20 hộ. Đỗ Hữu Phương được chính quyền cho làm hộ trưởng, từ đó lần lượt leo lên nhiều chức vụ khác nhau.

Ông Phương giàu không chỉ được thừa hưởng khối gia sản kếch xù, những cánh đồng bạt ngàn, cửa hàng kinh doanh của bố, mà ông còn có tài tính toán như thần. Mỗi mùa vụ ông đều thu lợi lớn, kết nối với các tiểu thương, xây dựng hệ thống bán buôn riêng biệt.

Thóc lúa trong nhà ông chất thành núi trong nhà. Ngoài ra, người vợ của ông giỏi giang, tháo vát, bán sang tay với giá cao nên ông đã giàu lại càng giàu hơn. Người ta đồn rằng, nếu 1 người ngồi đếm tiền của nhà ông Phương thì có đến cả đời cũng không hết tiền. Độ giàu có của vợ chồng ông Phương còn được sử cũ kể rằng, gia đình có riêng một đội đếm tiền, hơn chục người được sắp xếp bí mật trong căn phòng phía sau nhà.

Tam Xường

Tam Xường tên thật là Lý Tường Quan (1842-1896), tên tự là Phước Trai. Được biết đến là một người giàu có, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Bá hộ Xường - Lý Tường Quan được ghi chép lại rất ít. Theo đó, Lý Tường Quan là người Minh Hương (Hoa Kiều trung thành với nhà Minh) chống lại nhà Thanh nên đến lánh nạn ở miền Nam Việt Nam.

Lý Tường Quan trở thành thông ngôn cho Pháp nhờ thông thạo cả tiếng Hoa lẫn tiếng Pháp, và được tin tưởng, trọng dụng. Tuy vậy, địa vị mà nghề thông ngôn mang lại không làm Lý Tường Quan thỏa mãn. Khoảng năm 30 tuổi, ông bỏ nghề này chuyển sang làm kinh doanh, cung cấp lương thực, thực phẩm cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận.

Giai thoại về Tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa: Thuê hơn 10 người để đếm tiền, giàu hơn cả vua Bảo Đại
Chân dung ông Lý Tường Quang và vợ được chụp từ tư liệu gia đình. Ảnh: VTC News.

Gặp thời điểm xuôi chèo mát mái, lại biết khôn khéo lấy lòng các quan Tây để được họ che chở, nâng đỡ, chẳng mấy chốc ông trở thành nhà trọc phú quyền uy, nhất là trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm lúc bấy giờ. Do Tường Quan còn có tên khác là Xường, lại rất giàu có, nên người dân thường gọi ông là Bá hộ Xường.

Với lợi nhuận từ việc kinh doanh buôn bán, Bá hộ Xường bắt đầu mua đất xây cất biệt thự tại vùng Chợ Lớn để cho thuê và bán, càng ngày càng trở nên giàu có. Dinh thự của Bá hộ Xường rất bề thế, ngày nay tọa lạc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Một công trình khác ông để lại là khu nhà mồ cổ xây dựng năm 1896, hiện thuộc địa phận quận Tân Bình, TP HCM. Toàn bộ công trình tuy không đồ sộ nhưng rất khoáng đạt và tinh tế, là sự kết hợp của lối kiến trúc gôtich với phong cách Á Đông. Bá hộ Xường qua đời năm 1896. Sau khi ông mất, hầu hết tài sản bị con cháu ăn xài, tiêu phí hết.

Tứ Hỏa

Một trong những cái tên được người dân biết nhiều nhất chính là Hứa Bổn Hỏa, hay còn gọi là Chú Hỏa. Tên tiếng nước ngoài của ông là Hui Bon Hoa (1845 - 1901), chú Hỏa là người gốc Hoa và cũng theo đạo Công Giáo giống Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt.

Giai thoại về Tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa: Thuê hơn 10 người để đếm tiền, giàu hơn cả vua Bảo Đại

Chú Hỏa nổi tiếng bởi các công trình kiến trúc mà ông xây dựng cùng giai thoại về người con gái chết trẻ của mình (chuyện này là sự đồn thổi dân gian không rõ thực hư). Một trong các dinh thự lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ chính là tòa nhà có 99 cánh cửa nay là Bảo tàng Mỹ Thuật Hồ Chí Minh ngụ trên đường Phó Đức Chính, và khách sạn có vị trí đẹp bậc nhất Sài Gòn - Majestic.

Không có nhiều tài liệu ghi chép về Hứa Bổn Hỏa, chính vì thế có khá nhiều lời đồn đoán về sự giàu có của ông. Nổi tiếng hơn cả là giai thoại chú Hỏa vốn dĩ chỉ là anh “đồng nát”, trong một lần đi nhặt nhạnh, may mắn tìm ra túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ và dùng số vàng đó làm ăn rồi giàu lên nhanh chóng. Các phiên bản khác của giai thoại này thay túi vằng bằng bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng hoặc những thứ đồ cực kỳ quý hiếm trong những món đồ vứt đi. Và giai thoại vẫn mãi là giai thoại, chuyện vì sao chú Hỏa giàu đến vậy, hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Năm 1901, Chú Hỏa trở về Trung Quốc với vợ và mất ở đây, được chôn cất tại Tuyền Châu ở tỉnh Phúc Kiến. Chú Hỏa có tổng cộng 3 người con trai và họ đều là những nhân vật kiệt xuất, xây dựng và phát triển sự nghiệp sau khi cha hạ thế, cũng như giữ gìn sản nghiệp còn nguyên vẹn đến không ngờ. Từ năm 1951, các thành viên gia đình và con cái của dòng họ Hui Bon Hoa đã dần dần chuyển sang các nước khác: Pháp, Mỹ…

Chú Hỏa và gia tộc là những người có tấm lòng bác ái, khi tự bỏ tiền xây dựng khá nhiều các công trình công cộng để phục vụ nhân dân như: Bảo sanh viện Đông Dương - Maternité Indochinoise (nay là Bệnh viện Từ Dũ), Thành Chí học hiệu (nay là trường THCS Minh Đức - Q1), Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (đối diện chợ Bến Thành)...

Sabeco (SAB) ra mắt trung tâm nghiên cứu ngành bia với công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới

Công ty kiểm toán ký 'khống' cho Quốc Cường Gia Lai đã gián tiếp khiến Novaland (NVL) mất 2.700 tỷ đồng như thế nào?

Bài thuộc chủ đề Kiệt xuất Việt Nam
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/giai-thoai-ve-tu-dai-phu-ho-sai-gon-xua-thue-hon-10-nguoi-de-dem-tien-giau-hon-ca-vua-bao-dai-196704.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giai thoại về Tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa: Thuê hơn 10 người để đếm tiền, giàu hơn cả vua Bảo Đại
    POWERED BY ONECMS & INTECH