Thân thế nữ cảnh vệ đầu tiên của Việt Nam từng trực tiếp bảo vệ Bác Hồ trong gần 10 năm, giữ tới chức Phó cục trưởng cục Cảnh vệ

26-04-2024 07:01|Thùy Dung

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bà là cán bộ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Từ cô nữ sinh mưu trí

Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận sinh năm 1922 tại làng Lãng Yên (nay là phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong một gia đình công nhân viên chức nghèo. Hoàn cảnh gia đình bà tương đối khó khăn khi mẹ mất sớm, bà Thuận sống cùng bố và bà nội.

Tuy hoàn cảnh sống không mấy khá giả nhưng bố bà vẫn cố gắng cho bà thu và học tại trường nữ sinh Đồng Khánh. Thời đó, trường Bưởi và trường Đồng Khánh là hai cái nôi nuôi dưỡng ý chí cách mạng cho nhiều thế hệ chiến sỹ.

Được sự dạy dỗ của cha từ nhỏ, bản thân mắt thấy tai nghe nhiều cảnh đời nô lệ cơ cực, lầm than, nên cô gái trẻ Bích Thuận sớm tìm đến với cách mạng. Đến tháng 10/1944, bà Nguyễn Thị Bích Thuận tham gia đội Phụ nữ Cứu quốc thành Hoàng Diệu, bắt đầu hoạt động ở Liên khu II Hà Nội.

Chân dung bà Nguyễn Thị Bích Thuận - nữ cảnh vệ đầu tiên của Việt Nam

Chân dung bà Nguyễn Thị Bích Thuận - nữ cảnh vệ đầu tiên của Việt Nam

Tháng 7/1945, Hà Nội đang sục sôi trong không khí chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Bà Thuận được vận động may một lá cờ, để treo trên đỉnh Tháp Rùa đúng vào ngày “chính phủ” Trần Trọng Kim treo cờ quẻ ly. May cờ không khó, nhưng lấy vải ở đâu để may? Lúc này nếu ra chợ mua vải đỏ, rất dễ bị lộ.

Đang băn khoăn không biết giải quyết thế nào, bà chợt nhìn thấy chiếc khăn đỏ phủ trên ngai thờ Tổ của gia đình, và bà đã bí mật cắt một phần chiếc khăn đỏ (khoảng 40x50cm) để khâu cờ, phần còn lại phủ trên ngai thờ. Lá cờ đỏ sao vàng được treo trên đỉnh Tháp Rùa theo đúng kế hoạch, đã làm nao núng, gây hoang mang trong hàng ngũ của địch, đồng thời, có tác động rất lớn đến tinh thần các tầng lớp nhân dân đang sục sôi, chuẩn bị vùng lên đấu tranh giành chính quyền.

Những ngày tháng 8/1945, tinh thần cách mạng ngày càng lên cao, bà Thuận cùng với chị em trong Hội Phụ nữ Cứu quốc tham gia vào các hoạt động mít tinh, biểu tình và giành chính quyền tại Hà Nội. “Đúng ngày 19/8, Đoàn của chúng tôi được giao nhiệm vụ tiến về Trại Bảo an binh, cùng với đoàn biểu tình làm hậu thuẫn cho đoàn đại biểu Việt Minh thương thuyết với quân đội Nhật. Sau đó, tôi được lệnh đưa một tốp về Ty Liêm phóng, nơi đã bị lực lượng công an của ta chiếm đóng. Đây cũng là dấu mốc đầu tiên tôi tham gia vào lực lượng công an”, Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận nhớ lại.

Nữ cảnh vệ đầu tiên trực tiếp phục vụ Bác

Hòa bình lập lại, bà Nguyễn Thị Bích Thuận cử đi học Đại học Y dược. Năm 1961 tốt nghiệp, bà được điều động về Cục Cảnh vệ, Bộ Công an. Sau đó, bà được Bộ Công an cử sang Liên Xô học các phương pháp bảo vệ lãnh tụ. Trở về nước, bà Thuận làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và trở thành nữ cận vệ đầu tiên của Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bà Nguyễn Thị Bích Thuận (bên phải) tại Đại hội Đảng lần thứ III, năm 1960. Ảnh tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bà Nguyễn Thị Bích Thuận (bên phải) tại Đại hội Đảng lần thứ III, năm 1960. Ảnh tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Từ khi nhận nhiệm vụ trong Đội cận vệ bảo vệ Bác cho đến khi Người qua đời, bà được tháp tùng Bác Hồ đi nhiều nơi, chuyến đi nào cũng để lại những kỷ niệm khó quên. Trong đó, ấn tượng khó quên nhất về Bác với bà là sự giản dị, gần gũi, là tình cảm ấm áp của Người Cha già đối với nhân dân. Mỗi lần Bác góp ý là một bài học để bà trưởng thành.

Gần 10 năm được theo bảo vệ Bác Hồ, bảo vệ các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận và đồng đội không để xảy ra một trường hợp bất trắc nào ảnh hưởng đến sự an toàn và sức khỏe của Bác. Đây là chiến công thầm lặng góp phần vào chiến thắng chung của toàn dân tộc. Bà coi đó là vinh dự của cuộc đời mình. Sau này, bà vẫn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người, bởi bà luôn tâm niệm: “Phải làm đúng theo lời Bác dạy và mỗi thế hệ đi trước phải có trách nhiệm nêu gương sáng cho thế hệ sau”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Phụ nữ lần thứ nhất họp tại Việt Bắc, năm 1950 (Bà Nguyễn Thị Bích Thuận là người được đánh dấu X). Ảnh:Bảo tàng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Phụ nữ lần thứ nhất họp tại Việt Bắc, năm 1950 (Bà Nguyễn Thị Bích Thuận là người được đánh dấu X). Ảnh:Bảo tàng Hồ Chí Minh

Vừa tham gia hoạt động cách mạng, bà Nguyễn Thị Bích Thuận vừa làm tròn trách nhiệm là phu nhân đồng chí Lê Văn Lương - vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Trong cuộc sống, bà luôn học tập tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giáo dục các con, các cháu trong gia đình. Hơn 40 năm phục vụ Đảng, Nhà nước, trong đó 8 năm đảm nhiệm chức vụ Phó cục trưởng Cục Cảnh vệ và sau nhiều lần điều động công tác, dù ở cương vị nào, Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

>> Vị nữ tướng duy nhất của Quân đội Cách mạng Việt Nam được Bác Hồ ca ngợi 'cả thế giới chỉ nước ta có', là nữ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam

Huyền thoại nữ biệt động Sài Gòn khiến lính Mỹ khiếp sợ, được biết đến với biệt danh 'Tiểu Long nữ trên đường phố'

Vị tướng quân đội đặc biệt nhất: Từ anh Binh nhì đến Thượng tướng ở tuổi 40, được tuyên dương là Anh hùng LLVT Nhân dân khi mới 26 tuổi, từng tham gia 67 trận quyết tử

Người anh hùng dân tộc Nùng là đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, được đặt tên cho con phố ở cửa ngõ Thủ đô

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/than-the-nu-canh-ve-dau-tien-cua-viet-nam-tung-truc-tiep-bao-ve-bac-ho-trong-5-nam-giu-toi-chuc-pho-cuc-truong-cuc-canh-ve-d121333.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thân thế nữ cảnh vệ đầu tiên của Việt Nam từng trực tiếp bảo vệ Bác Hồ trong gần 10 năm, giữ tới chức Phó cục trưởng cục Cảnh vệ
POWERED BY ONECMS & INTECH