Giới chuyên gia cho rằng, động thái bán ra ào ạt của giới lãnh đạo doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Đây cũng là những tín hiệu cảnh báo cho các nhà đầu tư trên thị trường.
Khi thị trường chứng khoán lao dốc, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cùng người thân hoặc các nhóm nhà đầu tư, cổ đông lớn mạnh tay vung tiền mua vào lượng lớn cổ phiếu. Đến khi giá cổ phiếu tăng cao, họ lại đồng loạt bán ra và thu về khoản lãi hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Giới chuyên gia cho rằng, động thái bán ra ào ạt của giới lãnh đạo doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Đây cũng là những tín hiệu cảnh báo cho các nhà đầu tư trên thị trường.
Theo chuyên gia chứng khoán Hoàng Việt Cường, việc lãnh đạo và người thân bán ra với số lượng lớn cổ phiếu doanh nghiệp mình là câu chuyện không mới trên sàn chứng khoán và không phải lúc nào cũng khiến cổ phiếu rớt giá. Động thái này tùy thuộc vào thời điểm của thị trường cũng như các yếu tố khác vì có rất nhiều giai đoạn lãnh đạo đăng ký bán ra nhưng cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng giá.
“Tôi cho rằng quan trọng nhất ở đây là góc nhìn về ban lãnh đạo doanh nghiệp có thực sự làm cho nhà đầu tư cảm thấy tin tưởng lâu dài hay không. Việc trong ngắn hạn giá cổ phiếu biến động cũng một phần do lãnh đạo doanh nghiệp ước tính được điểm rơi của kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nên có động thái bán ra”, ông Cường nói.
Theo chuyên gia này, nhà đầu tư vẫn nên có biện pháp phòng vệ bằng cách hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ.
Nhiều nhà giao dịch chuyên nghiệp khác cũng cho rằng động thái bán cổ phiếu nêu trên có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, đồng thời cho thấy có thể thị giá một số cổ phiếu đang cao hơn giá trị nội tại. Do đó nhà đầu tư cũng nên thận trọng với các cổ phiếu mà lãnh đạo doanh nghiệp bán ra cũng như các cổ phiếu đã tăng giá mạnh trước đó để hạn chế rủi ro, nhất là trong trường hợp thị trường điều chỉnh.
Chia sẻ trong Chương trình Bí mật đồng tiền ngày 30/3/2022, các chuyên gia đã có những đánh giá về việc lãnh đạo bán ra cổ phiếu, đặc biệt là bán đỉnh.
Ông Phạm Đỗ Huy Cường, Thành viên HĐQT, Giám đốc Tài chính An Phát Holdings cho rằng cổ phiếu cá nhân nắm giữ kể cả quản lý doanh nghiệp hay cổ đông đều là một khoản đầu tư. Khoản đầu tư của lãnh đạo vào cổ phiếu của công ty mình sẽ rất khác và đây một phần thể hiện sự cam kết gắn bó, một phần thể hiện cho cổ đông thấy lãnh đạo hết mình với công ty.
Thông thường khi các lãnh đạo bán cổ phiếu đều công bố lý do vì nhu cầu cá nhân, có thể là mua nhà hay cho con đi du học,... Nếu lãnh đạo chỉ bán một tỷ lệ phù hợp (do nhu cầu tài chính cá nhân) thì vẫn thể hiện sự cam kết với công ty nhưng nếu bán toàn bộ cổ phiếu nắm giữ thì có thể thể hiện một vấn đề gì đó.
Về vấn đề này, chuyên gia Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, đây có thể là một tín hiệu để nhà đầu tư đánh giá tình hình doanh nghiệp ra sao. Tuy nhiên vẫn phải xem xét lý do bán ra cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp bởi ngoài phục vụ nhu cầu cá nhân thì nhiều giao dịch là chuyển sở hữu sang quỹ hoặc công ty thành viên. Ông Hưng cho rằng nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào giao dịch của lãnh đạo để đưa ra quyết định mua hay bán mà cần xem xét nhiều yếu tố khác.
Ông Hưng cũng đánh giá, việc bất cứ ai mua bán được ở đỉnh đều do may mắn. “Rất khó bán được cổ phiếu ở đúng đỉnh nếu cố tình”, chuyên gia đến từ SSI chia sẻ.