Thành phố này được quy hoạch 5 phân vùng lớn, xác định tính chất phát triển là là đô thị hỗn hợp, đa dạng, lấy du lịch làm động lực phát triển.
HĐND tỉnh Ninh Thuận vừa có Nghị quyết thông qua đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng TP. Phan Rang - Tháp Chàm đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
TP. Phan Rang – Tháp Chàm có tổng diện tích lập quy hoạch là 10.054ha; dân số khoảng 320.000 người (đến năm 2040). Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 7.918ha, trong đó diện tích đất xây dựng đô thị là 7.212ha, còn lại là đất nông nghiệp và chức năng khác.
Theo Đồ án, TP. Phan Rang - Tháp Chàm được xác định tính chất phát triển là đô thị hỗn hợp, đa dạng, lấy du lịch làm động lực phát triển, hướng tới đô thị thông minh, đô thị du lịch, đô thị biển, đô thị xanh và hướng đến hình thành đô thị loại I trong tương lai. Tầm nhìn là “Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trở thành một đô thị cân bằng độc đáo”.
Phan Rang - Tháp Chàm cũng là thành phố có tên dài nhất Việt Nam.
Về phân vùng đô thị, TP. Phan Rang - Tháp Chàm được phân thành 5 phân vùng lớn, gồm:
Khu vực phát triển đô thị di sản (một phần diện tích của các phường Đô Vinh, Bảo An và Phước Mỹ) có diện tích khoảng 927,31ha với trọng tâm là các không gian xung quanh tháp Po Klong Garai và cộng đồng xung quanh. Khu vực này được chỉnh trang và xây dựng một công viên lịch sử cạnh sông Dinh.
Khu vực phát triển đô thị ven biển (một phần diện tích của các phường Văn Hải, Mỹ Bình, Mỹ Hải, Mỹ Đông và phường Đông Hải) có diện tích khoảng 408,79ha. Đặc trưng của khu vực này là phát triển du lịch, vui chơi giải trí biển; điểm quan trọng bao gồm một đường đi dạo ven biển, quảng trường biển, những khách sạn cao tầng, các resort và dịch vụ hướng biển nhằm thể hiện hình ảnh của một thành phố biển…
Khu vực phát triển đô thị trung tâm (một phần diện tích của các phường Văn Hải, Mỹ Bình, Mỹ Hải, Mỹ Đông, Đài Sơn, Thanh Sơn, Phủ Hà, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Tấn Tài và một phần xã Thành Hải) có diện tích 2.250ha. Khu vực được tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch với trọng tâm là khu vực Quảng trường trung tâm gắn với Trung tâm hành chính tỉnh, các công viên trung tâm, khu bảo tàng, trục thương mại đường 16 tháng 4 nối kết ra biển.
Ngoài ra, khu vực này xây dựng khu đô thị mới hình thành những tuyến phố trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí như khu đô thị Đông Văn Sơn - Bắc Bình Sơn, khu công viên trung tâm và văn hóa thể thao.
>> Ninh Thuận phê duyệt đề án phát triển TP. Phan Rang - Tháp Chàm thành đô thị thông minh
Khu vực phát triển đô thị sông Dinh (một phần diện tích của các phường Đạo Long, Phước Mỹ, Phủ Hà, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Tấn Tài và phường Mỹ Đông) có diện tích khoảng 791,30ha. Khu vực này được định hướng phát triển các khu vực đô thị dọc sông Dinh dựa trên giá trị đặc trưng.
Trong đó, phía Bắc sông Dinh là khu đô thị hiện trạng được cải tạo, chỉnh trang, chức năng ở, không gian mở dọc sông; phía Nam sông Dinh phát triển các khu vực du lịch theo hướng du lịch cảnh quan nông thôn và du lịch trải nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Khu vực phát triển đô thị kết nối (gồm một phần diện tích của các phường Phước Mỹ, Đô Vinh và một phần xã Thành Hải) có diện tích khoảng 3.540ha (bao gồm sân bay Thành Sơn 2.117ha).
Khu vực này được xác định là khu đô thị xây mới bởi sự tác động mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng giao thông. Trọng tâm của khu vực này là khu vực đầu mối hạ tầng giao thông (bến xe mới, nhà ga đường sắt mới…), công viên sáng tạo, khu đô thị đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, bệnh viện quốc tế, khu liên hợp thể thao.
Trong giai đoạn từ nay đến 2030, TP. Phan Rang – Tháp Chàm phát triển các dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển; các dự án khu đô thị mới Đông Văn Sơn - Bắc Bình Sơn, khu đô thị mới Tây Bắc, khu đô thị mới Đông Nam.
Từ năm 2030-2040, đô thị mở rộng về 2 hướng chính gồm hướng Đông – Tây (theo Quốc lộ 27 hướng về đường cao tốc Bắc - Nam và đường 705B), phát triển theo hướng đô thị sân bay, giáo dục, tri thức; hướng Bắc – Nam (mở rộng từ trung tâm hướng đến khu vực Đầm Nại) phát triển các khu đô thị kết hợp thương mại hỗn hợp, chăm sóc sức khỏe.
Hà Tĩnh đề xuất để nhà máy điện gió 250 MW tại Lào được ưu tiên làm sớm
Tỉnh tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước sắp đón thêm một thành phố