Thành phố giàu nhất Việt Nam sẽ là thành phố biển với siêu dự án hơn 2.800ha cùng tòa nhà chọc trời cao 108 tầng
Dự án khu đô thị với quy mô 2.870ha sẽ đưa thành phố lớn của Việt Nam trở thành thành phố biển nghỉ dưỡng.
Cách trung tâm TP. HCM chỉ 50km, Cần Giờ là khu vực duy nhất của thành phố giáp biển. Vào cuối tháng 1 vừa qua, UBND TP. HCM đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, với quy mô gần 2.870ha và tổng mức đầu tư hơn 282.000 tỷ đồng.
Dự án nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, được chia thành 4 phân khu A, B, C và D - E, hướng tới mục tiêu phát triển thành khu đô thị du lịch biển, nghỉ dưỡng, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở và khách sạn, dự kiến đón khoảng 8-9 triệu lượt du khách mỗi năm.
Theo quy hoạch, phân khu A rộng khoảng 953ha, là khu sinh thái kết hợp dịch vụ du lịch, gồm 4 đơn vị ở (A1, A3, A4, A6) và 4 khu chức năng khác (A2, A5, A7, A8), được coi là cửa ngõ vào khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Phân khu B rộng hơn 659ha, bao gồm các khu ở, khu du lịch nghỉ dưỡng, công trình dịch vụ công cộng (y tế, giáo dục, hành chính, thương mại, dịch vụ...), cây xanh đô thị và hạ tầng kỹ thuật. Phân khu này được chia thành 4 đơn vị ở (B1, B2, B3, B4) và một khu chức năng du lịch nghỉ dưỡng (B5), với dân số dự kiến 75.000 người.
Phân khu C có diện tích 318ha, là trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và cảng biển. Khu này được chia thành 6 đơn vị ở từ C1 đến C6, bố trí dân số tối đa 41.364 người. Điểm nhấn kiến trúc quan trọng của phân khu C là tháp biểu tượng cao 108 tầng nằm tại mũi Hải Đăng, kết hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng và khách sạn, mang tính biểu tượng cho toàn đô thị.
>> Chỉ 5 năm nữa, đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ nâng cấp 5 huyện thành 5 đô thị vệ tinh kiểu mới
Phân khu D rộng 480ha được quy hoạch thành khu thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, trong khi phân khu E rộng 458ha được bố trí làm mặt nước, kênh dẫn và cây xanh đô thị.
Tổng mức đầu tư cho phần lấn biển của dự án là 65.609,5 tỷ đồng, phần hạ tầng kỹ thuật là 32.516,2 tỷ đồng và phần công trình kiến trúc là 184.706,8 tỷ đồng. Dự án do Công ty Cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ (thuộc Tập đoàn Vingroup) làm chủ đầu tư, dự kiến triển khai từ tháng 4/2025 và hoàn thành vào năm 2030.
Để hỗ trợ sự phát triển của Cần Giờ, TP. HCM đã lên kế hoạch đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những dự án quan trọng là cầu Cần Giờ dài 7,3km, thay thế phà Bình Khánh, với tổng mức đầu tư hơn 10.500 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm nay và hoàn thành vào năm 2028. Cây cầu này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cần Giờ vào trung tâm thành phố, tạo thuận lợi cho việc giao thương và phát triển du lịch.
Ngoài ra, TP. HCM cũng sẽ xây dựng nút giao kết nối cao tốc Long Thành - Bến Lức với đường Rừng Sác, tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trước năm 2030. Bên cạnh đó, tuyến đường ven sông Sài Gòn dài 78,2km, từ ranh giới tỉnh Tây Ninh đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành, cũng sẽ được xây dựng với quy mô từ 4 đến 8 làn xe.
Một trục giao thông ven biển dài 57,4km, kết nối từ Tiền Giang, qua Cần Giờ, đến Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ được đầu tư sau năm 2030. Tuyến đường này đi qua địa phận TP. HCM dài 38,2km, đoạn qua Cần Giờ sẽ kết hợp giữa đường mặt đất, đường ngầm và cầu cạn nhằm bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Đặc biệt, TP. HCM cũng có kế hoạch xây dựng tuyến metro dài gần 49km, nối Quận 7 với Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển và phát triển du lịch của khu vực này. Những dự án hạ tầng quan trọng này hứa hẹn sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế, du lịch và đô thị tại Cần Giờ trong tương lai gần.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, kinh tế thành phố năm 2024 tiếp tục duy trì đà phục hồi ổn định. TP.HCM dẫn đầu cả nước với GRDP năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.
>> 'Siêu cảng' là biểu tượng chiến lược phát triển kinh tế biển của TP. HCM đạt dấu mốc quan trọng