Thành phố giàu nhất Việt Nam sẽ sử dụng 100% xe buýt điện vào năm 2030
Đề án này xuất phát từ tình trạng lượng khí thải nhà kính do ngành giao thông vận tải gây ra ngày càng gia tăng, đặc biệt tại TP. HCM và nhiều đô thị lớn.
Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa gửi văn bản đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM cùng các sở, ban, ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức để lấy ý kiến về việc xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố.
Nghị quyết này sẽ ban hành kế hoạch chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng sang xe buýt điện và xe sử dụng năng lượng xanh, đồng thời đề xuất các chính sách hỗ trợ liên quan.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải đang triển khai Đề án kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông trên địa bàn TP. HCM, trong đó giai đoạn đầu tập trung vào việc chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng sang xe buýt điện và xe sử dụng năng lượng xanh.
Sở cho biết, đề án này xuất phát từ tình trạng lượng khí thải nhà kính do ngành giao thông vận tải gây ra ngày càng gia tăng, đặc biệt tại TP. HCM và nhiều đô thị lớn. Ngành giao thông hiện chiếm khoảng 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc.
Đáng chú ý, ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi PM2.5, đang là nguyên nhân gây ra khoảng 60.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, với thiệt hại kinh tế ước tính từ 10,8 đến 13,2 tỷ USD, tương đương 5% GDP của cả nước.
>> Tỉnh nằm ở 'đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới' chuẩn bị sáp nhập 1 huyện với 2 thị xã
Tại TP. HCM hiện có khoảng 2.209 xe buýt, trong đó 546 xe là xe điện và xe CNG, còn lại 1.663 xe sử dụng diesel, gây ra tổng lượng phát thải CO2 lên đến 553.299 tấn/năm. Dự kiến từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ đưa thêm 1.108 xe vào hoạt động, nâng tổng số xe buýt lên 3.317 chiếc.
Sở Giao thông vận tải nhấn mạnh rằng, nếu không sớm triển khai kế hoạch và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện và năng lượng xanh, tình trạng ô nhiễm từ phương tiện giao thông sẽ tiếp tục xấu đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại kinh tế.
Do đó, Sở đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi phương tiện. Mục tiêu của chính sách là cung cấp cơ sở pháp lý rõ ràng về lãi suất vay và hỗ trợ ngân sách cho việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang xe điện và năng lượng xanh.
Theo đề án, TP. HCM đặt mục tiêu đầu tư hơn 3.521 tỷ đồng để hoàn tất quá trình chuyển đổi toàn bộ xe buýt công cộng sang xe sử dụng điện và năng lượng sạch vào năm 2030 trong đó, chi phí hỗ trợ lãi vay đầu tư cho phương tiện là 2.095 tỷ đồng, hỗ trợ lãi vay cho việc xây dựng trạm cung cấp năng lượng điện là 79 tỷ đồng.
Ngoài ra, TP. HCM sẽ đầu tư 1.347 tỷ đồng cho việc xây dựng hệ thống trạm sạc.
Về chính sách hỗ trợ vay vốn chuyển đổi phương tiện, mức vay tối đa sẽ là 85% tổng mức đầu tư của mỗi dự án, với mức hỗ trợ lãi suất tối đa 300 tỷ đồng/dự án trong thời gian tối đa 7 năm. Đối với chính sách xây dựng trạm sạc, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế sẽ được vay tối đa 70% tổng mức đầu tư, với mức hỗ trợ lãi suất tối đa 200 tỷ đồng/dự án.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và dựa vào chỉ số GDP bình quân đầu người, năm 2023, trong số 63 tỉnh thành trong cả nước, TP. HCM là tỉnh có GDP bình quân đầu người cao thứ hai (sau tỉnh Bình Dương) và cao thứ nhất trong số các thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam với 107 triệu đồng/người/năm.
>> Thành phố sụt lún nhanh nhất Đồng bằng sông Cửu Long sắp có nhà ở xã hội quy mô hơn 6.000 người