Theo thống kế, thành phố này đã đón khoảng gần 1 triệu khách du lịch dịp lễ 30/4-1/5.
Mới đây, theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong dịp nghỉ Lễ 30/4-1/5 các khu du lịch trong toàn tỉnh đã đón được hơn 1,5 triệu lượt khách du lịch tới tham quan, nghỉ ngơi. Riêng TP. Sầm Sơn vẫn là đầu tàu của du lịch tỉnh Thanh Hóa với gần 1 triệu du khách.
Cụ thể, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 27/4 đến 1/5), khách đến Thanh Hóa ước đạt khoảng 1.520.000 lượt khách, tăng 27,2% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ 2023. Tổng thu du lịch đạt khoảng 3.805 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong dịp nghỉ lễ đạt khoảng 82,5%.
Trong đó, du lịch biển vẫn là thế mạnh và Sầm Sơn là đầu tàu với khoảng 905.000 lượt khách, chiếm tới 60% tổng lượng khách của cả tỉnh Thanh Hóa. Con số này cao hơn khoảng 23% so với số lượt khách đến Thủ đô Hà Nội (khoảng 737.900 lượt khách), cao gấp 2,7 lần số lượt khách đến Đà Nẵng (336.000 lượt khách).
>> 'Bùng nổ' du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, tỉnh thành nào là quán quân hút khách?
Năm nay, các địa điểm thu hút, tập trung nhiều du khách tại Sầm Sơn như: khu quần thể nghỉ dưỡng FLC Samson Beach & Golf Resort, khu quảng trường biển Sầm Sơn, Khu trục cảnh quan và vui chơi của Sun Group với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn "ngoài tắm biển" đã thu hút lượng lớn du khách.
Ngoài Sầm Sơn, các địa danh du lịch khác của tỉnh Thanh Hóa cũng ghi nhận những con số tích cực, gồm: thị xã Nghi Sơn đón 86.700 lượt khách; Hải Tiến đón 89.800 lượt khách; Tp.Thanh Hóa đón 65.600 lượt khách; khu du lịch Pù Luông đón 62.500 lượt; Thành nhà Hồ đón 11.700 lượt khách; Lam Kinh đón 9.200 lượt khách; Bến En đón 3.400 lượt khách; Bản Mạ đón 3.700 lượt khách...
Theo lãnh đạo TP. Sầm Sơn cho biết, với mục tiêu xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, mang tính chuyên nghiệp dài hơi, địa phương này cũng đã tập trung thu hút phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội gắn với phát triển thành phố thông minh, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế và xã hội số.
Đồng thời, với nhiều tiềm năng lợi thế, thành phố Sầm Sơn cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong đó có các tập đoàn lớn, hoạt động chuyên nghiệp trong ngành du lịch như tập đoàn Mặt Trời (Sun Group), Tập đoàn FLC,… với vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng đã từng bước nâng cao chất lượng du lịch Sầm Sơn.
Ngoài các điều kiện trên, nhiều năm qua, thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo,… chấm dứt tình trạng chặt chém, từ đó từng bước nâng cao chất lượng du lịch của địa phương, đưa du lịch Sầm Sơn ngày càng thân thiện, hấp dẫn và chuyên nghiệp trong mắt du khách.
"Năm nay do kỳ nghỉ lễ dài, thời tiết thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện đi cùng với việc Sầm Sơn khai trương thêm nhiều sản phẩm du lịch mới... từ đó, đã thu hút lượng lớn du khách trong dịp nghỉ lễ. Hy vọng với những cố gắng không ngừng nghỉ, Sầm Sơn sẽ ngày càng hấp dẫn, và trở thành điểm đến lý tưởng hơn trong mắt du khách mỗi ngày", ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn chia sẻ.
Thanh Hóa được biết tới là địa phương hội tụ nhiều yếu tố có thể khai thác phát triển du lịch như: sở hữu bờ biển dài 120km, với những bãi tắm nổi tiếng Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà... cùng với đó là nhiều di tích, danh thắng như Thành nhà Hồ, khu di tích Lam Kinh, Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương... Trong đó, du lịch biển Sầm Sơn được xem như đầu tàu, hạt nhân giúp thu hút du khách.
Thanh Hóa là tỉnh cực Bắc miền Trung Việt Nam, là tỉnh lớn về diện tích khi đứng thứ 5 của cả nước và đông dân thứ 3 về dân số (sau TP. HCM và Hà Nội). Thanh Hóa hiện có 11/27 huyện miền núi với trên 1 triệu dân có các dân tộc Thái, Mường, Mông, Khơ Mú, Dao…
TP. Sầm Sơn (trực thuộc tỉnh Thanh Hóa) là thành phố có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, với diện tích 44,94km2.