Hồi tháng 11/2022, Tập đoàn Đan Mạch đã khởi công xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD tại thành phố trẻ nhất Việt Nam này.
Tân Uyên là một thành phố nằm ở phía đông tỉnh Bình Dương, giáp các thành phố, thị xã và huyện lớn của gồm TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai; TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An, thị xã Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên của tỉnh Bình Dương.
Ngày 10/4/2023, Nghị quyết thành lập TP Tân Uyên chính thức có hiệu lực. Từ đây, Tân Uyên trở thành thành phố trẻ nhất Việt Nam. Trước Tân Uyên, thành phố trẻ nhất thuộc về Phổ Yên (lên thành phố năm 2022), Phú Quốc, Thủ Đức (2021)…
TP Tân Uyên được thành lập trên cơ sở toàn bộ 191km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 466.000 người của thị xã cũ; cùng 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 phường và 2 xã. Đây là thành phố thứ 4 của tỉnh Bình Dương, sau các TP Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An.
Qua đó, Bình Dương trở thành địa phương thứ hai sau Quảng Ninh có 4 thành phố trực thuộc tỉnh. Như vậy, Quảng Ninh và Bình Dương là hai tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất cả nước.
Với vị trí địa lý đặc biệt, TP Tân Uyên là địa bàn quan trọng của tỉnh Bình Dương về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư các ngành như công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TP Tân Uyên những năm qua đạt khoảng 12,57%/năm, trong đó ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng đứng đầu, mang tính dẫn dắt.
Chưa hết năm 2023 nhưng thành phố thực hiện vượt 23/23 chỉ tiêu đề ra trong năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng với tỷ trọng Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp lần lượt là 62,30% - 36,61% 1,09%. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước thực hiện tăng 13,14% so với năm 2022. Giá trị thương mại - dịch vụ ước thực hiện tăng 23,27%. Ước đến ngày 31/1/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 99% kế hoạch.
Đáng chú ý, sự phát triển của nền kinh tế Tân Uyên gắn liền với hoạt động của các khu công nghiệp quy mô lớn trên địa bàn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chế biến gỗ, logistics…
Tân Uyên hiện có hai dự án Khu công nghiệp VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước là Khu công nghiệp VSIP II có quy mô 2.045 ha và Khu công nghiệp VSIP III hơn 1.000 ha, với tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng.
Đặc biệt, hồi tháng 11/2022, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã chính thức khởi công dự án xây dựng nhà máy tại VSIP III với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Đan Mạch vào Việt Nam từ trước tới nay, là một phần của chiến lược mở rộng và rút ngắn chuỗi cung ứng, giúp Lego đáp ứng được nhu cầu tại châu Á.
Nhà máy bắt đầu tuyển người từ tháng 9/2023 và mục tiêu có 100 nhân sự trong năm nay. Dự kiến dự án đi vào hoạt động trong năm 2024, góp phần tạo ra 4.000 việc làm trong vòng 15 năm tới.
Bên cạnh đó, TP Tân Uyên hiện có 55 khu dân cư, trong đó có 25 khu hoàn thành hạ tầng kỹ thuật từ 80-100%. Tỉnh Bình Dương cho biết đang nghiên cứu, lập quy hoạch khu vực phát triển đô thị tại phường Uyên Hưng (khoảng 300 ha) và tại phường Tân Hiệp (khoảng 125 ha) của TP Tân Uyên; nghiên cứu, lập quy hoạch khu đất (khoảng 4 ha) giáp đường ĐT747 kế bên bệnh viện thành phố để đầu tư xây dựng khu phức hợp cao tầng thương mại - dịch vụ kết hợp căn hộ cao cấp.
Về hạ tầng giao thông, thành phố có mạng lưới giao thông hoàn thiện, liên kết tới các khu vực trong và ngoài tỉnh bao gồm giao thông đường bộ, giao thông đường thủy, hệ thống bến cảng, nhà ga, kho bãi...
Các dự án đường kết nối vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn Tân Uyên đang được ưu tiên thực hiện dự kiến mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế, giao thương cho đô thị Tân Uyên. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có cảng Thạnh Phước là cảng sông đầu tiên của thành phố, mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực logistics.
Ngoài ra, Tân Uyên đã triển khai các thủ tục chuẩn bị lập Đề án nâng cấp đô thị loại II, dự kiến sẽ lên đô thị loại II vào năm 2025.