Thành phố trực thuộc Trung ương mở rộng diện tích gấp 9 lần, lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập sẽ có 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận
Việc sáp nhập hứa hẹn sẽ tạo thêm nguồn lực mới cho thành phố này, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch.
Theo Đề án vừa được phê duyệt ngày 14/4, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng sẽ được sáp nhập, hình thành một thành phố trực thuộc Trung ương mới với tên gọi là TP. Đà Nẵng. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại quận Hải Châu, thuộc TP. Đà Nẵng hiện nay.
Đơn vị hành chính mới có diện tích tự nhiên 11.859,6 km² và dân số khoảng 2.819.900 người. Đây sẽ trở thành thành phố có quy mô lớn nhất cả nước, được mở rộng về diện tích khoảng 9,2 lần.
Việc sáp nhập hứa hẹn sẽ tạo thêm nguồn lực mới cho Đà Nẵng, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Sau khi hợp nhất, Đà Nẵng sẽ sở hữu tới 3 di sản được UNESCO công nhận, tạo nên sức hút mạnh mẽ trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Phố cổ Hội An

Nằm bên bờ Bắc hạ lưu sông Thu Bồn, giáp biển Cửa Đại, TP. Hội An (Quảng Nam) có diện tích khoảng 60km², trong đó phần đất liền chiếm 44km², phần còn lại là đảo Cù Lao Chàm. Khu phố cổ nằm ở phường Minh An, rộng chừng 2km².
Trong thời chiến, phố cổ Hội An hầu như không bị tàn phá do không có căn cứ quân sự, sân bay hay cơ sở công nghiệp trọng điểm. Thêm vào đó, với tư cách là đô thị cổ, thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất Đông Nam Á từ thế kỷ XVI đến XIX, nơi đây được nhiều bên gìn giữ, tránh tổn hại.
Hội An chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999. Khu vực này hiện có 1.360 di tích, trong đó có khoảng 1.068 ngôi nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần...
Nhờ vậy, du lịch phố cổ Hội An trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Hội An nổi bật bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, sự hài hòa trong thiết kế các ngôi nhà cổ, những bức tường, con đường rêu phong. Trải qua bao thế kỷ và biến cố, nơi đây vẫn lưu giữ trọn vẹn vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, phủ lớp bụi thời gian trên từng mái ngói, hàng cây...
Thánh địa Mỹ Sơn

Một di sản văn hóa khác được UNESCO công nhận năm 1999 là Thánh địa Mỹ Sơn, nằm tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Năm 1885, người Pháp phát hiện ra khu di tích hoành tráng này, ẩn sâu trong thung lũng giữa rừng cây rậm rạp. Thánh địa Mỹ Sơn từng là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn của vương quốc Chăm Pa, mang đậm dấu ấn Ấn Độ giáo. Hơn 70 đền tháp nơi đây thể hiện rõ các phong cách kiến trúc, điêu khắc qua từng thời kỳ, từ cuối thế kỷ IV đến thế kỷ XIII.
Khu di tích được chia thành nhiều cụm công trình, mỗi cụm có một tháp chính và các tháp phụ bao quanh. Tháp chính thường có hình chóp, tượng trưng cho núi thiêng Meru - trung tâm vũ trụ trong Ấn Độ giáo, nơi cư ngụ của các vị thần. Các tháp thờ thần Shiva (vị thần bảo hộ các triều đại Chăm Pa) hoặc sinh thực khí linga. Họa tiết trang trí gồm hoa lá, voi, sư tử, vũ nữ Apsara, các vị thần... mang giá trị thẩm mỹ và tâm linh sâu sắc.
Tiếc rằng, do chiến tranh, tháp A1 - kiệt tác cao nhất trong quần thể Mỹ Sơn với chiều cao 24m đã bị đánh sập bởi bom đạn.
Ma nhai Ngũ Hành Sơn

Ma nhai Ngũ Hành Sơn thuộc danh thắng Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là Di sản Tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới được UNESCO công nhận năm 2022. Đây là di sản thế giới đầu tiên của Đà Nẵng.
Ma nhai (bia khắc đá) bao gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trực tiếp lên vách đá và hang động trong khu danh thắng.
Các văn bản này có nội dung phong phú, hình thức độc đáo và thuộc nhiều thể loại văn học khác nhau do các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức sáng tác. Niên đại của chúng kéo dài từ nửa đầu thế kỉ XVII đến thế kỷ XX.
Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn là nguồn tư liệu quý giá, thể hiện sự giao thoa văn hóa - xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.
Đây là nguồn di sản có giá trị nhiều mặt, phản ánh sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ của khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam mà còn của cả nước trong thời phong kiến.
Trong thời gian qua, nhiều du khách đến từ Nhật Bản, Trung Quốc đã thực hiện hành trình du lịch văn hóa, tìm về những chứng tích giao lưu văn hóa hàng thế kỷ được lưu dấu tại đây.