Chưa đầy 5 tháng nữa, một thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam sẽ được mở rộng diện tích gấp 9 lần, trở thành thành phố lớn nhất cả nước
Hiện nay, thành phố này có diện tích nhỏ nhất trong số 6 thành phố trực thuộc Trung ương với gần 1.285km².
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025, phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Tổng cộng, 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ được thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập.
Trong số đó, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng sẽ được sáp nhập, hình thành một thành phố trực thuộc Trung ương mới với tên gọi là TP. Đà Nẵng. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại quận Hải Châu, thuộc TP. Đà Nẵng hiện nay. Đơn vị hành chính mới có diện tích tự nhiên 11.859,6km² và dân số khoảng 2.819.900 người.

Lịch sử ghi nhận, Quảng Nam - Đà Nẵng từng là một tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ, trong đó Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh duy nhất.
Theo Cổng thông tin điện tử TP. Đà Nẵng, sau khi thực dân Pháp hoàn tất việc xâm chiếm toàn bộ Việt Nam vào năm 1889, chúng đã tách Đà Nẵng khỏi tỉnh Quảng Nam, đổi tên thành Tourane và đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.
Đầu thế kỷ XX, Tourane được người Pháp quy hoạch, phát triển theo mô hình đô thị phương Tây. Hạ tầng xã hội, kỹ thuật, các ngành nghề sản xuất và kinh doanh được đầu tư mạnh mẽ. Cùng với Hải Phòng và Sài Gòn, Tourane trở thành một trong những trung tâm thương mại quan trọng của cả nước. Đến năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại.

Tháng 3/1965, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và nhanh chóng thiết lập tại đây một căn cứ quân sự hỗn hợp. Năm 1967, Đà Nẵng được xác lập là thành phố trực thuộc Trung ương với định hướng phát triển thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa của vùng I và II chiến thuật.
Ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX, Nghị quyết cho phép chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính riêng biệt: tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Theo đó, địa giới hành chính TP. Đà Nẵng mới gồm TP. Đà Nẵng cũ, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.
Sau khi chính thức tách tỉnh vào năm 1997, cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều có những bước phát triển đột phá, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Đặc biệt, Đà Nẵng đã ghi dấu trên bản đồ quốc gia với những thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng, trở thành hình mẫu đô thị hiện đại trong cả nước và khu vực. Hiện tại, Đà Nẵng là thành phố có diện tích nhỏ nhất trong số 6 thành phố trực thuộc Trung ương, với gần 1.285km².

Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam với đầy đủ các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không, Đà Nẵng có vị trí chiến lược: phía Bắc giáp TP. Huế, phía Nam và Tây giáp Quảng Nam, phía Đông giáp biển Đông.
Đà Nẵng được biết đến là thành phố đáng sống nhất Việt Nam với nhiều chính sách cụ thể, như chương trình "Thành phố năm không" (không có hộ nghèo theo chuẩn thành phố, không có học sinh bỏ học ở cấp tiểu học và THCS, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của) và "Thành phố ba có" (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa – văn minh đô thị).

Quảng Nam cũng đã chuyển mình thành công từ một tỉnh thuần nông, trở thành địa phương năng động với nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung. Trong đó, khu kinh tế mở Chu Lai là khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực theo thông lệ quốc tế.
>> Không phải Ninh Bình, đây mới là tỉnh có dân số lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập