Thành phố xây hơn 60 cây cầu chỉ trong 10 năm ‘bội thu’ vốn đầu tư FDI
Dự kiến trong năm 2024, thành phố sẽ thu hút khoảng 4 tỷ USD vốn FDI, gấp 1,8 lần so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Trong năm 2024, TP. Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút 2-2,5 tỷ USD vốn FDI. Để hoàn thành mục tiêu, địa phương này đã không ngừng nỗ lực trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; đồng thời, áp dụng đầy đủ chính sách ưu đãi theo quy định. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP. Hải Phòng cũng thực hiện nhiều chuyến thăm, kêu gọi đầu tư tại những quốc gia tiềm năng.
9 tháng đầu năm, địa phương này chỉ mới thu hút được 1,7 tỷ USD vốn đầu tư FDI. Nguyên nhân là do áp lực cạnh tranh từ những địa phương khác, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh lân cận.
Đặc biệt, cơn bão lịch sử Yagi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến “thành phố cảng” khiến tình hình thu hút đầu tư FDI trong suốt tháng 10 gần như “đóng băng”.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 11/2024, Hải Phòng đã có một bước ngoặt quan trọng. Cụ thể, tại hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, TP. Hải Phòng đã trao 12 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 1,8 tỷ USD.
Các dự án được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giữa tháng 11/2024 đã nâng tổng số vốn FDI của Hải Phòng từ đầu năm lên 3,5 tỷ USD.
Trong đó, dự án lớn nhất là Dự án đầu tư mở rộng của Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng (thuộc Tập đoàn LG, Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) tăng thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 5,65 tỷ USD.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Dự kiến trong năm 2024, thành phố sẽ thu hút khoảng 4 tỷ USD vốn FDI, gấp 1,8 lần so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Bên cạnh đó, để giữ vững vị thế là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thu hút FDI trong năm 2025 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng chia sẻ tại Hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hồi giữa tháng 11/2024, địa phương trong thời gian tới sẽ tập trung cao độ vào một số nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín trên thế giới với các dự án công nghệ cao, nhất là các dự án về bán dẫn và chip điện tử.
Bên cạnh đó, địa phương cam kết quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình các nhà đầu tư triển khai dự án. TP. Hải Phòng luôn kiên định với phương châm “Thành công của doanh nghiệp là thành công của địa phương”.
Hải Phòng là thành phố duyên hải nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình thuộc đồng bằng sông Hồng. Là một trong ít địa phương có đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia hội tụ đủ 5 loại hình giao thông quan trọng, Hải Phòng sở hữu nhiều lợi thế để phát triển cả công nghiệp – dịch vụ cảng biển và du lịch.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, tính đến năm 2024, thành phố có gần 100 cây cầu đã và đang được xây dựng. Trong đó, có hơn 70 cây cầu được đưa vào khai thác tạo sự kết nối giữa ngoại thành và nội thành cũng như giữa TP. Hải Phòng với các tỉnh.
Trong giai đoạn từ 2015 đến nay, với sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương lân cận và sự quyết tâm của TP. Hải Phòng, lĩnh vực xây dựng cầu trên địa bàn ghi nhận những bước đột phá quan trọng.
Trong giai đoạn này, Hải Phòng đã xây dựng hơn 60 cây cầu, trong đó có những cây cầu lớn như: cầu Hoàng Văn Thụ, cầu vượt sông Thái Bình, cầu vượt nút giao Nam cầu Bính,...
Việc hoàn thiện xây dựng những cây cầu mới không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông mà còn tạo động lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nội vùng cũng như liên vùng.
>> Tỉnh có 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam lần đầu tiên đạt doanh thu du lịch tỷ USD