Tỉnh có 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam lần đầu tiên đạt doanh thu du lịch tỷ USD
Năm 2024, doanh thu du lịch của tỉnh ước đạt 25.500 tỷ đồng, tăng 55,4% so với năm 2023.
Năm 2024, nhiều sự kiện, hoạt động có quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc tế đã diễn ra tại tỉnh Bình Định, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Theo báo cáo Tổng kết hoạt động du lịch năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng năm 2025 của Sở Du lịch tỉnh Bình Định, năm 2024, khách đến tham quan, du lịch tại tỉnh ước đạt 9,2 triệu lượt, so với năm 2023 ghi nhận tăng 83,9%.
Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 93.850 lượt, tăng 17,3%; khách nội địa đạt 9.106.150 lượt, tăng 85%. Nhờ vậy, doanh thu du lịch cũng tăng 55,4% so với năm 2023, ước đạt 25.500 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, khách du lịch có xu hướng chọn đường bay từ Hà Nội, TP.HCM đến sân bay Tuy Hòa (Phú Yên), Pleiku (Gia Lai), Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Sau đó, họ sẽ đến Bình Định để tham quan, trải nghiệm du lịch bằng phương tiện đường bộ.
Ngoài ra, du khách lựa chọn đến các ga Diêu Trì, ga Quy Nhơn hoặc ga Phú Yên rồi di chuyển về Bình Định ghi nhận có xu hướng tăng cao. Vì vậy, số lượng chuyến bay đến Bình Định giảm 1.068 chuyến so với năm 2023, đạt 4.039 chuyến.
Trao đổi với báo Lao Động, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, ông Trần Văn Thanh khẳng định: “Đây là lần đầu tiên Bình Định đạt hơn 9 triệu lượt khách và doanh thu từ khách du lịch đạt 25.500 tỷ đồng, là tín hiệu cho thấy du lịch của tỉnh đang phát triển vượt bậc”.
Ông Thanh cho biết thêm, 2024 là năm tăng trưởng mạnh của du lịch tỉnh nhà. Các lễ hội văn hóa, thể thao được tổ chức gắn với thế mạnh của từng địa phương, các sản phẩm du lịch mới được sáng tạo đã góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2020-2025.
Bình Định thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước - Ảnh: Internet |
Các lễ hội văn hóa – du lịch – thể thao tại một số địa phương được duy trì, nâng cấp đầu tư quy mô hơn như: Lễ hội Đống Đa (Tây Sơn), Lễ hội Mai Vàng (An Nhơn), Lễ hội trái cây (Hoài Ân),... Ngoài ra, 2 lễ hội địa phương được hình thành thêm là: Lễ hội Du lịch Hoài Nhơn “La Vuông - Cao nguyên xanh vẫy gọi” và Lễ hội du lịch “Làng chài” (Nhơn Lý).
Trong năm 2025, ngành du lịch Bình Định đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách với doanh thu ngành du lịch đạt 26.000 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Bình Định cần tiếp tục nỗ lực triển khai Kế hoạch phát triển sản phẩm mới và làm mới một số sản phẩm du lịch hiện có trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác chuyển đổi số; đẩy mạnh thực hiện các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố có chương trình hợp tác với du lịch của tỉnh;....
Chiều ngày 30/11, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, sơ bộ tổng vốn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD) và hoàn thành năm 2035.
Tuyến đường dài 1.541km với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Tuyến đường sắt đi qua 20 tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương được bố trí 1 nhà ga; bên cạnh đó, có 3 tỉnh có tới 2 nhà ga.
Trong đó, Bình Định là một trong 3 địa phương được bố trí sắp xếp 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Cụ thể, 2 ga ở Bình Định gồm ga Bồng Sơn được đặt tại huyện Hoài Nhơn và ga Diêu Trì tại huyện Tuy Phước.
Đường sắt tốc độ cao là dự án quan trọng không chỉ đối với hạ tầng giao thông mà còn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và các tỉnh, thành mà đường sắt đi qua nói riêng. Vì vậy, được bố trí 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho địa phương phát triển về kinh tế, xã hội và du lịch.