Doanh nghiệp

Thép Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam, đe dọa sản xuất trong nước

Lương Bằng 25/03/2024 - 13:01

Lượng thép nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, liên tục tràn vào Việt Nam. Điều này đã gây áp lực rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Theo Tổng Cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam là gần 2,65 triệu tấn, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc chiếm 1,8 triệu tấn, cao gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.

Với riêng sản phẩm thép cán nóng (HRC), 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn, trị giá nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nguồn thép từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2% tổng lượng HRC nhập trong 2 tháng.

Điều đó cho thấy đà tăng của thép nhập khẩu vào Việt Nam chưa dừng lại.

Năm 2023, Việt Nam cũng nhập khẩu tới 13,8 triệu tấn thép các loại (bao gồm cả hàng tạm nhập tái xuất, nhập vào khu chế xuất…), tăng 3,2% so với 2022 và 11% so với năm 2021. Trong năm 2023, Việt Nam phải chi tới 10,4 tỷ USD để nhập khẩu thép.

Hầu hết các sản phẩm thép nhập về Việt Nam đều tăng so với năm 2022 và 2021. Trong đó, sản phẩm thép được nhập khẩu nhiều nhất là thép cán nóng (HRC) với 10 triệu tấn, tăng 2,84% so với 2022 (gồm thép cán nóng dạng cuộn và dạng tấm), chiếm 73% tổng lượng thép nhập về Việt Nam.

sản xuất thép.jpg
Đà tăng của thép nhập khẩu (hầu hết chịu thuế 0%) gây áp lực lên sản xuất trong nước.

Tiếp theo là thép xây dựng nhập gần 1,3 triệu tấn tăng 7,8% so với 2022 và tăng 33% so với 2021. Tôn mạ các loại nhập về 1,16 triệu tấn, tăng 20,68%.

Theo Báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, năm 2023, thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 8,3 triệu tấn, tương đương hơn 62% tổng lượng thép nhập khẩu. Tiếp đến là Nhật Bản 14,3%, Hàn Quốc 8,3%,…

Tính riêng với thép cán nóng, 70% lượng nhập khẩu là từ Trung Quốc, gây áp lực lớn với sản xuất trong nước.

Thực trạng nhập khẩu sắt thép Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh hiện nay là do hầu hết sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%.

Giá bán thép của Trung Quốc và các quốc gia khác cung cấp cho Việt Nam đã giảm rõ rệt. Thép HRC của Trung Quốc giảm từ 618USD/tấn vào quý I/2023 xuống còn 557USD/tấn trong quý 4. Giá bán HRC của Trung Quốc hiện dao động trong khoảng 520-560USD/tấn, tùy loại. Điều này gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu bán phá giá, bóp nghẹt sản xuất trong nước.

Về năng lực sản xuất thép trong nước, theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam, tổng năng lực sản xuất của các DN thép trong nước hiện đạt khoảng 23 triệu tấn thép thô (phôi vuông, phôi dẹt). Năng lực sản xuất thép thành phẩm bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ, ống thép đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm. Thực tế năm 2023, các DN thuộc Hiệp hội thép sản xuất 27,7 triệu tấn. Tiêu thụ đạt 26,3 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 8 triệu tấn.

“Năng lực sản xuất trong nước cơ bản là đáp ứng nhu cầu trong nước. Không những thế, thép của Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc tế, và được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới”, đại diện một DN thép chia sẻ.

Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản thậm chí "đóng băng" khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu. Do đó, Trung Quốc phải đẩy mạnh xuất khẩu và gây áp lực lên nhiều thị trường chứ không riêng gì Việt Nam. Bởi lẽ quốc gia này sản xuất tới vài triệu tấn thép mỗi ngày, bằng sản lượng của ngành thép Việt Nam trong cả tháng.

Trước áp lực từ thép nhập khẩu, từ năm 2023 Hiệp hội Thép Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo. Trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội thép Việt Nam, tháng 10/2023 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm thép theo đúng quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước; áp dụng các biện pháp phòng vệ cần thiết, phù hợp quy định của pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế để chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép nhập khẩu, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu kiến nghị của Hiệp hội thép Việt Nam, căn cứ kinh nghiệm quốc tế và yêu cầu thực tế của Việt Nam, rà soát khung khổ pháp lý hiện hành, trong đó có Thông tư số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2015 về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp.

Theo các chuyên gia, tình trạng nhập khẩu thép ngày càng lớn từ Trung Quốc với giá rẻ có nguy cơ làm mất cân bằng cán cân thương mại, chảy máu ngoại tệ và làm thất thu ngân sách nhà nước. Việc chi hàng chục tỷ USD nhập thép góp phần gây áp lực lên tỷ giá VND-USD, thực tế tỷ giá 2 năm gần đây đã tăng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ phải chịu sức ép rất lớn, thậm chí phải thu hẹp sản xuất nếu không có giải pháp phòng vệ trước sức ép từ hàng nhập khẩu.

Trả lời PV.VietNamNet, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết: Theo quy định, để khởi xướng một vụ việc liên quan phòng vệ thương mại, doanh nghiệp phải có hồ sơ vụ việc gửi Cục. Theo từng biện pháp phòng vệ thương mại thì sẽ có điều kiện khác nhau. Ví dụ vụ việc liên quan bán phá giá, doanh nghiệp phải đại diện cho hơn 50% ngành đó. Hồ sơ phải đánh giá xem hàng nhập khẩu có gây thiệt hại cho sản xuất trong nước hay không, phải có số liệu để đánh giá thiệt hại, số liệu cho thấy tác động của hàng nhập tăng đột biến đến ngành sản xuất trong nước...

>> Cột mốc mới trên hành trình sản xuất thép HRC của Tập đoàn Hòa Phát (HPG)

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/thep-trung-quoc-o-at-tran-vao-viet-nam-de-doa-san-xuat-trong-nuoc-2263188.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thép Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam, đe dọa sản xuất trong nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH