Thép từ Trung Quốc tăng nóng, Ấn Độ đề xuất gấp đôi thuế nhập khẩu
Hồi đầu tháng 9, Bộ Tài chính Ấn Độ đã ban hành thông báo mới cho biết các sản phẩm ống thép và ống thép không gỉ hàn từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ chịu mức thuế mới trong vòng 5 năm tới, với tỷ lệ thuế từ 12% đến 30%.
Ấn Độ, nhà sản xuất thép thô lớn thứ 2 thế giới, dần trở thành nước nhập khẩu ròng thép trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024. Xu hướng này vẫn tiếp tục gia tăng khi trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8, nhập khẩu thép thành phẩm từ Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong 7 năm qua.
Trong 1 bức thư ngày 2/9, Hiệp hội Thép Ấn Độ (ISA) đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman tăng gấp đôi thuế nhập khẩu thép lên 15%. ISA, đại diện cho các nhà sản xuất thép lớn như JSW Steel, Tata Steel, ArcelorMittal Nippon Steel India và Tập đoàn Thép Quốc gia Ấn Độ (SAIL), bày tỏ lo ngại về việc thép bán phá giá từ Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa. Họ cảnh báo rằng xu hướng nhập khẩu thép giá rẻ có khả năng tiếp tục trong tương lai, và có nguy cơ nhập khẩu tăng mạnh hơn trong những tháng tới.
Khi lượng thép dư thừa từ Trung Quốc tràn vào các thị trường toàn cầu, các nhà sản xuất thép Nhật Bản và châu Âu đã yêu cầu hạn chế nhập khẩu. Tại Mỹ, thuế 25% đối với thép Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào thứ Sáu tới (27/9).
Bộ trưởng Thép Ấn Độ H.D. Kumaraswamy cho biết các nhà sản xuất thép Ấn Độ đang phải "chịu đựng" dòng thép nhập khẩu giá rẻ. ISA trong thư cũng kêu gọi áp dụng thêm thuế nhập khẩu 25% đối với thép và đề xuất loại bỏ "quy tắc thuế thấp hơn", tức là áp dụng mức thuế đủ để bảo vệ các nhà sản xuất Ấn Độ.
Ảnh minh hoạ |
Hồi đầu tháng 9/2024, theo thông báo mới ban hành từ Bộ Tài chính Ấn Độ, các sản phẩm ống thép và ống thép không gỉ hàn từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ chịu mức thuế mới trong 5 năm tới; mức áp thuế từ 12% đến 30%. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của Ấn Độ nhằm bảo vệ ngành thép nội địa trước áp lực cạnh tranh từ nước ngoài.
Trước đó, vào tháng 8, Ấn Độ đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam. Động thái này diễn ra sau khi Formosa Hà Tĩnh và Tập đoàn Hòa Phát (HPG) kiến nghị điều tra chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo đó, Bộ Công Thương đã quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024.
Quyết định điều tra dựa trên hồ sơ yêu cầu do các công ty sản xuất trong nước nộp theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương cáo buộc các nhà sản xuất thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm này sang Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Việc điều tra sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày ký là 26/7.
>> 3 cổ phiếu thép được dự báo tăng trưởng 2 chữ số sau quyết định quan trọng của Trung Quốc