Thị trường BĐS lộ thời gian đảo chiều, WB đưa ra cảnh báo tới nhà đầu tư
Thị trường BĐS tại Việt Nam lộ nhiều dấu hiệu phục hồi và theo Ngân hàng Thế giới, giai đoạn 2024-2025 sẽ có dấu hiệu 'đảo chiều'.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam được công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, tăng tốc lên 6,5% trong giai đoạn 2025-2026.
Dưới đánh giá của WB, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang có nhiều diễn biến tích cực khi lộ nhiều dấu hiệu phục hồi.
Theo dự báo của WB, thị trường BĐS Việt Nam sẽ "đảo chiều" vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như Luật Đất đai 2024 được thực thi.
Dù đánh giá thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi nhưng WB vẫn đưa ra cảnh báo rằng các nhà đầu tư vẫn cần "thận trọng".
>> Lấy ý kiến 4 phương án giá đất tại TP. HCM
Theo đó, WB cho rằng giá nguồn cung các dự án được cấp phép cũng như số lượng căn hộ mới gần như vẫn đi ngang trong quý I/2024 (so với quý IV/2023) do các vấn đề về quy trình giải phóng mặt bằng cũng như đền bù đất đai vẫn chưa có chuyển biến.
Trong khi đó, lãi suất vay BĐS hiện đang hấp dẫn hơn so với những khoản vay mới khiến cho giá trị giao dịch có dấu hiệu tăng mạnh ở mức 22% trong quý I/2024 so với quý trước trên nền xuất phát điểm thấp.
Dẫu vậy, niềm tin của các nhà đầu tư hiện vẫn ở mức thấp và ngành BĐS vẫn đang phải đối mặt với khá nhiều rủi ro tài chính từ nợ xấu của các doanh nghiệp BĐS cũng như người mua nhà tăng lên 2,73% tổng dư nợ trong năm 2023 (năm 2022 ở mức 1,7%).
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam, lượng giao dịch hiện nay chỉ đạt 20% bình quân giao dịch các năm trước đại dịch (2018-2019).
Theo đánh giá của WB, các cấp có thẩm quyền của Việt Nam hiện đang nỗ lực hỗ trợ ngành BĐS phục hồi, đồng thời đưa các luật vào triển khai trong thực tế.
Lãi suất vay BĐS đã giảm đối với các khoản vay mới sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2023, điều này cũng đã phần nào hỗ trợ cầu BĐS.
Dù nhận được nhiều "trợ lực" từ các cơ quan ban ngành cũng như những tác động từ bức tranh chung về tình hình kinh tế nhưng theo WB, thị trường BĐS sẽ phục hồi lâu hơn so với dự kiến, tác động xấu đến đầu tư của khu vực tư nhân.
Ngoài ra, WB cũng nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi khi lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng gấp 2,5 lần trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023.
Điều này một phần nguyên nhân đến từ việc các ngân hàng đã tận dụng môi trường lãi suất thấp để đảo nợ trái phiếu. Dù vậy, lượng trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm 2024 ước lên đến 139,8 nghìn tỷ đồng, trong đó trái phiếu BĐS chiếm 42% đã tạo áp lực cho lĩnh vực BĐS giữa bối cảnh khó khăn về dòng tiền.
>> Hà Nội sắp khởi công dự án cao tốc hơn 56.000 tỷ, rộng cửa cho không gian phát triển mới