Toyota luôn xem ô tô hybrid là một cách tiếp cận thực tế hơn để đạt được mục tiêu trung hòa carbon so với ô tô điện. Mới đây, Toyota đã thông báo sẽ bán xe không phát thải tại thị trường châu Âu vào năm 2040.
Toyota phát triển theo chiến lược “ăn chắc - mặc bền”
Một năm trước, Toyota tuyên bố sẽ đầu tư 4.000 tỷ Yên (30 tỷ USD) nhằm nỗ lực bán 3,5 triệu chiếc xe điện/năm vào cuối thập kỷ này. Song chiếc xe Prius vừa ra mắt lại không phải là phiên bản hybrid cuối cùng. Toyota khẳng định, việc sản xuất thêm nhiều xe hybrid không có nghĩa là hãng đang "dậm chân tại chỗ" mà không tiến về phía trước.
Tuần trước, các CEO của hãng đã chia sẻ với báo giới về kế hoạch đạt mức trung hòa carbon tại châu Âu vào năm 2040. Nhóm nhà lãnh đạo này lập luận, chiến thuật họ đang thực hiện là cách nhanh nhất để cắt giảm ô nhiễm không khí trong bối cảnh nguyên vật liệu sản xuất xe điện dần khan hiếm.
Theo đó, sử dụng toàn bộ nguồn cung cấp pin để điện khí hóa hoàn toàn một chiếc ô tô giúp giảm 1% tỷ lệ phát thải. Trong khi sử dụng lượng pin khan hiếm thay 6 chiếc ô tô bằng xe hybrid, mỗi chiếc sử dụng pin 18 kWh, sẽ giảm 2,4% tỷ lệ phát thải của xe. Tuy nhiên, cách cắt giảm nhiều khí thải nhất 18% lại là thay thế 90 chiếc ô tô bằng xe hybrid sử dụng pin 1,1 kWh.
Toyota đã quá quen thuộc với tình trạng thiếu nguyên liệu thô cho pin, trong bối cảnh giá lithium tăng vọt lên mức cao kỷ lục hơn 50.000 USD/tấn, gấp 10 lần so với 2 năm trước.
Nhà sản xuất ô tô này ước tính có hơn một tỷ người không được tiếp cận nguồn cung cấp điện đầy đủ. Trong khi một chiếc xe chạy bằng pin trung bình, hay BEV, được bán với giá hơn 65.000 USD ở Mỹ, thì Prius thế hệ mới chỉ có giá khởi điểm hơn 25.000 USD.
Mục tiêu loại bỏ hoàn toàn lượng khí thải CO2 của hãng xe Nhật Bản
Trong khi phát biểu tại sự kiện thường niên của Toyota Motor Europe ở Kenshiki, Giám đốc điều hành của Toyota cho biết, nhà sản xuất ô tô này đang đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn lượng khí thải CO2 trong tất cả các loại xe mới được bán ở Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và EFTA (bao gồm các nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy, và Thụy Sĩ) vào năm 2035.
Toyota cũng sẽ làm cho tất cả các cơ sở sản xuất ở châu Âu của mình trung hòa carbon vào năm 2030 bằng cách giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng bất cứ khi nào có thể, chuyển sang sử dụng năng lượng xanh và thực hiện một loạt các đổi mới để giảm CO2 hoặc loại bỏ hoàn toàn.
Toyota không vội vàng theo đuổi chiến lược xe điện như nhiều hãng xe khác mà tập trung phát triển các loại xe plug-in hybrid và hybrid để giảm thiểu lượng khí thải CO2 trong 10-15 năm sắp tới.
Hãng xe nhận ra những lợi ích khi kết hợp sử dụng xe chạy bằng pin và chạy bằng hydro cho mục tiêu loại bỏ khí thải tại châu Âu vào 2035. Hãng xe Nhật Bản cho rằng trong 15 năm tới, vật liệu pin và cơ sở hạ tầng sạc năng lượng tái tạo sẽ trở nên khan hiếm khi nhiều hãng xe liên tiếp ra mắt các mẫu xe điện khác nhau.
Trước đó vào tháng 11/2021, Honda cũng đã đặt mục tiêu đẩy nhanh nỗ lực khử cacbon trong chuỗi giá trị của mình và tìm cách để các nhà cung cấp phụ tùng của họ đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Ngành công nghiệp ô tô ngày càng cam kết giảm lượng khí thải trong suốt vòng đời của quá trình sản xuất pin EV - từ thu mua nguyên liệu thô đến sản xuất, sử dụng và thải bỏ - thay vì chỉ tập trung vào lượng khí thải khi lái xe.
Top 10 xe bán chậm tháng 11/2024: Toyota Camry bất ngờ bị xướng tên
Tiêu thụ ô tô tăng đột biến trong tháng cuối cùng giảm 50% lệ phí trước bạ